Ngày xưa mỗi lần nghe đĩa là đều rất tập trung. Khi đĩa bắt đầu chạy trong dàn thì có nghe thấy tiếng “xèo xèo”
Một ngày cuối thu ở Tokyo, khi đang lang thang ở ngã tư Shibuya, tôi lạc vào một tòa nhà cao 9 tầng mà chỉ bán toàn đĩa nhạc. Mỗi tầng là một thể loại nhạc, từ Rock, Pop, Hip Hop, Jazz cho tới nhạc cổ điển, nhạc phim. Những chiếc CD, DVD, đĩa than được bày ngăn nắp trên kệ đĩa bên những tờ poster quảng cáo album mới cùng thời gian ra mắt. Tòa nhà cứ tấp nập người vào và đem ra những chiếc đĩa nhạc. Cầm album mới nhất của Britney Spears – Glory – trên tay, suy nghĩ đầu tiên: “Không hiểu đã bao lâu rồi chưa mua một CD nhạc mới?”.
Tôi dám chắc là có không ít người như tôi. Bạn có nhớ chiếc đĩa CD nhạc cuối cùng mình mua là từ khi nào không? Lần cuối cùng bạn nghe nhạc trên đầu đĩa là bao giờ?
Thời buổi hiện đại, công nghệ số ngày càng phát triển. Không nhớ là từ bao giờ, nhạc online đã dần thống lĩnh thị trường và biến những chiếc đĩa trở thành đồ cổ lỗ sĩ. Bây giờ, chỉ cần vài cú click chuột và Google là có thể nghe nhạc bất kỳ lúc nào, thậm chí là chạy không ngừng hàng nghìn bài chứ không phải như ngày xưa là hết đĩa phải thay đĩa mới. Giờ có quá nhiều thứ miễn phí và tiện lợi trên mạng như vậy, còn ai mua đĩa CD nữa? Vừa tốn tiền mà về chưa chắc đã có đầu đĩa để nghe.
Trở lại những năm cuối của thập niên 1990, khi giai đoạn của băng cassette và băng video VHS bắt đầu qua đi, nhường chỗ cho những chiếc đĩa CD, VCD. Thời đó, những chương trình ca nhạc như MTV Asia Hit List hay Làn Sóng Xanh là những cái tên hot mà nhiều người ở thế hệ 8x không thể bỏ lỡ bất kỳ số nào. Thời đó, nhà nào mà có những chiếc đầu đĩa Trung Quốc nhãn hiệu Qi Sheng là quá hoành tráng, nếu có dàn loa mà chạy được 5 đĩa thì thuộc dạng “nhà siêu giàu”. Thời đó, Britney Spears cũng mới phát hành album đầu tay – Baby One More Time – vào ngày mùa đông đầu năm 1999…
Ở thời kỳ mà phương tiện nghe nhìn chưa nhiều, internet vẫn là một thứ gì đó quá xa xỉ với 4.000 đồng/tiếng ở nơi công cộng thì đi mua đĩa nhạc là một thú vui của lứa tuổi teen ngày đó. Nghe được một bài hát hay trên MTV, trên đài radio là hôm sau phải rủ ngay hội bạn sau giờ tan học lượn qua hàng đĩa xem có không để mua. Khi ấy, chúng tôi cập nhật việc một ca sĩ ra album mới thông qua việc đi ngó nghiêng hết hàng đĩa này đến hàng đĩa khác. Ở Hà Nội là những khu như Tràng Tiền, Hàng Bài, Đinh Liệt, Bảo Khánh còn trong TP HCM là Thương xá Tax.
Cũng có những lúc đĩa đã ra rồi, xuất hiện đầy trên các kệ đĩa ở tất cả các cửa hàng rồi mà vẫn chỉ dám nhìn thòm thèm, thi thoảng chạy qua giả vờ nghe thử xong không lấy chỉ vì chưa đủ tiền. 25.000 đồng/CD là cái giá mà một học sinh thế hệ 8x phải nhịn ăn sáng, tiền quà vặt trong cả tuần, thậm chí nửa tháng mới có được. Sau này, đĩa CD mới giảm dần xuống còn 23.000, 20.000, 15.000, 10.000 và cuối cùng là 5.000 “bèo bọt” trước khi xu thế nghe nhạc online xuất hiện.
Cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc thế nào khi mua được một chiếc đĩa CD album mới của ban nhạc, ca sĩ mình yêu thích có lẽ những đứa trẻ sống trong thời đại mới sẽ chẳng bao giờ được trải nghiệm. Giờ muốn nghe nhạc chỉ cần gõ keyword và nhấp chuột là hàng nghìn lựa chọn xuất hiện trước màn hình của máy tính, smartphone và cứ thế nhấn play, vừa nghe vừa làm việc khác.
Còn ngày trước, mua được một chiếc đĩa CD về thì phải bóc lớp vỏ nilon mỏng bên ngoài ra, lật giở bìa đĩa, xem list bài hát, nhấn “Power” trên dàn đĩa xong nhấn tiếp “Open” để ổ đĩa chạy ra. Đặt chiếc đĩa hình tròn lên ổ rồi nhấn tiếp “Close” và “Play”. Rất nhiều công đoạn mà giờ nghe hơi “phức tạp” nhưng việc được thực hiện mấy công đoạn này luôn được coi là khoảnh khắc vui nhất trong ngày của chúng tôi thời trước.
Đã bao lâu rồi bạn không nghe nhạc trên 1 chiếc CD? – Ảnh 4.
Việc cắm tai nghe, vừa nghe nhạc vừa học bài như một xu thế bây giờ đối với ngày xưa là một điều không tưởng. Dàn đĩa thì luôn luôn ở phòng khách nên chỉ khi nào làm bài tập về nhà buổi tối xong hoặc tranh thủ trước giờ ăn cơm, đi tắm hay rình ban ngày được nghỉ học thì chúng tôi mới có cơ hội “sờ vào” những chiếc đĩa CD.
Ngày xưa mỗi lần nghe đĩa là đều rất tập trung. Khi đĩa bắt đầu chạy trong dàn thì có nghe thấy tiếng “xèo xèo”. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với nghe nhạc online bây giờ. Thế rồi sau cái tiếng xèo “thần thánh” ấy là những giai điệu bắt đầu. Vừa nghe, vừa nhìn ngắm bìa đĩa và nhẩm theo cả lyrics in ở bên trong bìa. Mỗi đĩa chỉ có tối đa từ 10 – 15 bài hát, nghe hết thì phải đổi hoặc mở lại từ đầu. Dường như chính cái sự “tập trung” khi nghe nhạc của thời đó khiến những bài hát khi ấy được nhớ lâu hơn và nếu giờ nghe lại cũng không bị coi là lỗi thời.
Từ khi nhạc online xuất hiện, lựa chọn nhiều hơn khiến âm nhạc có phần nào bão hòa hơn. Các bài hát nổi nhanh hơn, phủ sóng khắp nơi, từ internet đến nhà hàng, quán xá và tạo nên những “hiện tượng toàn cầu”, “gây sốt cộng đồng mạng”. Người người, nhà nhà thấy được bài hát nào hit là nghe đến “nát”, nghe nhiều tới mức sau khi cơn sốt qua đi là tuyệt nhiên không muốn mở lại lần nào nữa. Ví dụ như giờ đây mà tự dưng bạn mở “Gangnam Style” (Psy) để nghe, chắc chắn sẽ bị không ít người dè bỉu là “cũ xì”. Nhưng nếu nghe lại những bài hát của “thời kỳ đĩa CD” như kiểu “I Don’t Want to Miss a Thing” (Aerosmith) hay các ca khúc của Spice Girls, Boyzone thì sẽ được coi là “Retro” hoặc những bình luận kiểu như “Ôi, nhớ thế” hay “Nghe lại vẫn thấy hay”.
Tôi vẫn nhớ trong những tháng ngày đi học, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để nói về những chiếc đĩa và coi như kho tàng quý giá. Mỗi khi đến nhà nhau chơi, thứ đầu tiên khiến đứa nào cũng phải “lục” là kệ đĩa. Nhớ những buổi chiều mùa đông lúc tan học và mới được cho tiền tiêu hàng tháng, mấy đứa lại ghé qua hàng đĩa, mỗi đứa mua một đĩa khác nhau và đem về nghe chung. Trên đường về, ghé đi mua quẩy nóng, bánh bao chiên rồi về chui lên căn gác nhỏ ở nhà một đứa và vừa ăn uống, vừa chăm chú nghe đống CD mới.
Đĩa CD ngày đó nghe nhiều thường hay bị xước và đang nghe thì bị giật đĩa “bụp bụp” rất buồn cười. Chúng tôi còn có những cách khắc phục không hiểu nghe từ đâu ra và áp dụng thất bại như bôi kem đánh răng hay sáp nến lên mặt đĩa rồi lau sạch. Nghĩ lại thấy đúng là một thời ngây ngô nhưng rất trong trẻo.
Những người bạn ở thế hệ của tôi giờ còn rất ít người giữ được những chiếc CD nhạc mà họ từng say mê ngày xưa. Chúng đã thất lạc trong những lần họ chuyển nhà, những lần dọn nhà và “thấy bừa thì vứt bớt đi”. Tuy nhiên, tôi vẫn còn lưu giữ lại tất cả những chiếc CD của gần 20 năm về trước. Chúng vẫn được đặt trên kệ đĩa và dù có thể chẳng còn mấy khi nghe nữa, chúng vẫn ở đó để mỗi lần nhìn vào hay tình cờ rút ra một chiếc CD, tôi lại thấy như cả một thời kỳ hiện về. Mỗi chiếc CD lại là một câu chuyện kể của quá khứ. Đĩa này tôi được tặng trong ngày tốt nghiệp, đĩa kia tôi mua chung với ba người bạn thân và luân phiên nhau cầm về nghe đến mức giờ nó đã “nát bươm” hay đĩa nọ là tôi được bố mẹ thưởng khi đạt học sinh giỏi cuối năm…
Có một thời, kinh doanh đĩa nhạc là một nghề “hot” nhưng ngày nay, ở Việt Nam các cửa hàng bán đĩa gần như đã biến mất. Ở Thái Lan hay Singapore, các tiệm đĩa cũng giảm dần về số lượng. Chỉ có ở Nhật, đĩa CD vẫn tiêu thụ rất tốt. Người Nhật luôn đi đầu về những phát minh công nghệ mới, đặc biệt ở lĩnh vực nghe – nhìn nhưng đúng là có những thứ hoài cổ thì họ vẫn rất trân trọng, nâng niu sử dụng. Dịch vụ cho thuê băng đĩa ở Nhật vẫn còn và đi trên đường, bên cạnh hình ảnh dòng người nghe nhạc từ smartphone, iPod thì vẫn có những người đang bấm bấm, nhét đĩa vào chiếc CD Walkman “thần thánh”.
Trở về từ Tokyo, tôi dần trở lại thói quen nghe nhạc trên đĩa CD. Cầm một chiếc đĩa xịn có vỏ, có bìa, có lyrics và đặc biệt là nghe lại cái tiếng “xèo xèo” lúc đĩa bắt đầu quay cảm giác vẫn rất sung sướng. Trong những ngày đầu đông Hà Nội se lạnh thế này, không còn gì “so deep” và hoài cổ hơn là ngồi trong một căn phòng nhỏ ấm cúng với ánh đèn vàng, bên ấm trà nóng bốc khói nghi ngút và chiếc đĩa CD đang chạy tới một bài hát xưa cũ gợi nhiều kỷ niệm: