Smith cho biết: “Chúng ta có thể sống mà không cần nó, nhưng ở một mức độ nào đó ruột thừa thực sự mang lại khả năng miễn dịch và các loại vi khuẩn có lợi cho con người”.
Ngày 09/01/2017, một nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sĩ Heather Smith đứng đầu đã công bố: ruột thừa là một chức năng miễn dịch thứ cấp, làm nhiệm vụ xúc tác cho các phản ứng tế bào miễn dịch và đẩy vào ruột các vi khuẩn có lợi khi ruột đang rỗng. Và ruột thừa vẫn đóng vai trò như vậy trong cơ thể người, chỉ có điều theo một cách hạn chế hơn.
Ruột thừa không phải là cơ quan chỉ có ở cơ thể người. Trong một giai đoạn kéo dài khoảng 8 năm, Heather Smith – một bác sĩ giải phẫu có ruột thừa bị cắt đi từ năm 12 tuổi đã lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu tìm hiểu mọi thông tin hiện có về các loại động vật có vú sở hữu bộ phận này. Tổng số loài tìm được lên đến 533, gồm cả linh trưởng, chó, và chuột.
Những loài động vật này nhìn chung đều khác nhau: chúng có nguồn gốc từ mọi nơi trên thế giới, nguồn thức ăn khác nhau, và thậm chí nằm ở những tập đoàn xã hội khác nhau. Smith đã cố gắng tìm kiếm điểm chung ở ruột thừa của các loài này nhằm giải thích mục đích tồn tại của ruột thừa trong cơ thể người.
Họ nghĩ rằng có thể sự khác biệt giữa các “mẩu” ruột thừa này là do tập quán sinh hoạt của các loài. Nhưng họ đã không gặp may mắn: “Chúng tôi không thể tìm được mối liên hệ giữa sự tồn tại của ruột thừa với các đặc điểm về nguồn thức ăn, môi trường sinh thái và xã hội”, Smith cho biết.
Nhưng họ đã tìm thấy một điểm chung về tính miễn dịch. “Ở các loài động vật có ruột thừa, độ tập trung của mô bạch huyết trong manh tràng cao hơn hẳn”.
Manh tràng là bộ phận nằm trong bộ máy tiêu hóa bắt đầu ở ruột già, cũng là nơi xuất phát của ruột thừa. Mô bạch huyết, theo Smith, chứa đầy các tế bào có khả năng kích hoạt một phản ứng miễn dịch khi cơ thể ở vào trạng thái căng thẳng.
Ngoài ra, công trình của họ còn ủng hộ những bằng chứng cho thấy ruột thừa là nơi chứa vi khuẩn để đối phó với tình trạng ruột trống rỗng.
Ruột chứa hàng tỉ các loại vi sinh vật (chủ yếu là vi khuẩn) sống cộng sinh với ta. Chúng có một nơi ấm áp để sống với nguồn thức ăn liên tục, đổi lại chúng cung cấp các dưỡng chất bổ sung và loại bỏ các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Khi chúng ta dùng thuốc kháng sinh hoặc bị ngộ độc thực phẩm, toàn bộ vi khuẩn trong ruột sẽ bị tiêu diệt.
“Ruột thừa chứa vi khuẩn tốt cho ruột, và có khả năng phục hồi hệ vi khuẩn trong ruột”, Smith cho biết. Mặc dù họ chưa thể tìm ra những loại vi khuẩn cụ thể trong mỗi loài động vật, nhưng đây là một giả thuyết đã được đưa ra trước đây ở người.
Dẫu cho công trình này không làm cho ta thấy rõ tác dụng của ruột thừa, nhưng sự thật là bộ phận này tiến hóa khác biệt ở các loài động vật có vú có nghĩa là sự tồn tại của nó không phải ngẫu nhiên.
Smith cho biết: “Chúng ta có thể sống mà không cần nó, nhưng ở một mức độ nào đó ruột thừa thực sự mang lại khả năng miễn dịch và các loại vi khuẩn có lợi cho con người”.
Đinh Vân
Theo Trí Thức Trẻ