Nếu có vấn đề gì không biết thì đừng dại đi hỏi sếp, bởi chắc chắn sếp bạn cũng không biết! Sếp mà điều gì cũng biết thì đâu cần tuyển bạn về!
Tại sao người khác phải dạy bạn?
Thường có người hỏi tôi: “Chị ơi, sao em chưa bao giờ gặp được một người lãnh đạo giỏi có thể dạy em mọi thứ, họ toàn trút giận lên đầu em thôi. Nếu không dạy thì cũng phải cho em thời gian học chứ, đâu phải ai bẩm sinh cái gì cũng biết! Em muốn nhảy việc nhưng sợ công ty khác cũng thế thì phải làm sao?”
Gặp những câu hỏi như vậy tôi chỉ muốn nói một câu. Sao họ phải truyền dạy kinh nghiệm bao năm cho bạn? Công ty tuyển bạn về để làm việc chứ không phải mở lớp đào tạo. Đừng mơ tưởng họ vừa trả lương lại còn phải chịu trách nhiệm dạy bạn từng tí một.
Lý do khiến hầu hết mọi người đều nghĩ như vậy là bởi đã quen với sự dạy dỗ từng chút một khi còn ở trường. Giáo viên không mở sách thì học sinh cũng chẳng biết tự học thêm, tốt nghiệp ra trường đi làm vẫn giữ nguyên suy nghĩ đó. Lãnh đạo nói cần học hỏi thêm nghĩa là hãy làm việc đó với tư cách một nhân viên, không phải một học sinh.
Rất nhiều bạn trẻ nghĩ, không đào tạo được mình không phải lãnh đạo tốt, không học được gì từ lãnh đạo thì ở lại công ty làm gì? Học tập nơi công sở là thói quen tốt, nhưng phải dựa vào chính sức lực của mình, chỉ những kẻ ngu ngốc mới suốt ngày kêu ca mà từ bỏ cơ hội trong tay.
Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí lãnh đạo một doanh nghiệp, bạn có mong nhân viên của mình khả năng lĩnh ngộ cao, nỗ lực làm việc vì sự phát triển của công ty không? Hay bạn bằng lòng đào tạo nhân viên suốt nửa năm trời mới có thể bắt tay vào làm việc?
Bạn là kiểu nhân viên công sở nào?
Nếu nói chốn công sở chẳng đào tạo gì cho bạn thì không đúng, nhưng để hướng dẫn một – một thì rất ít, trừ phi lãnh đạo của bạn cực tốt, yêu thương bạn như ruột thịt. Công sở là nơi chỉ đào tạo mang tính tập thể, hội nhóm, ngoài ra bạn cần dựa vào sức mình để tự học và đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Dựa trên mức độ chủ động học tập của nhân viên công sở có thể phân họ làm ba nhóm:
Nhóm 1: Muốn học nhưng phải đợi người dạy.
Thường xảy ra ở nhóm người: Thực tập sinh hoặc các bạn trẻ mới đi làm.
Họ quen được dạy đến nơi đến chốn như ở trường nên nghĩ nơi làm việc cũng phải dạy họ. Trong một khoảng thời gian nếu vẫn không học được gì chứng tỏ công ty quá kém, lãnh đạo bất lực, đồng nghiệp ích kỷ. Công ty có tốt, phát triển đến mấy mà không học hỏi được gì thì tiếp tục ở đây làm gì!
Nhóm 2: Tích cực tham gia các buổi đào tạo của công ty nhưng sau một thời gian thì từ bỏ.
Thường xảy ra ở nhóm người: Nhân viên công sở đã làm việc trên hai năm, quen và thích nghi với môi trường công sở, đồng thời có kế hoạch nhất định cho tương lai.
Nhóm người này luôn có tham vọng nâng cao vị thế, cũng có kế hoạch khá rõ ràng về tương lai. Vì thế họ tích cực tham gia các buổi đào tạo của công ty, tận dụng mọi cơ hội học hỏi.
Nhưng phạm vi học tập của nhóm người này chỉ gói gọn trong công ty, chứ không chịu tìm kiếm học hỏi bên ngoài. Cuộc sống dần khép kín, chức vụ càng cao càng nghĩ mình giỏi nên chẳng coi ai ra gì, cấp trên không theo ý mình thì cũng là đồ bỏ đi. Họ dễ nhảy việc nhưng chỉ có thể đạt đến một vị trí nhất định, rất khó lên cao hơn.
Đa phần chúng ta đều trong nhóm này.
Nhóm 3: Tự tìm tòi học hỏi mọi lúc mọi nơi.
Đây có lẽ là nhóm người dễ bị đồng nghiệp hắt hủi nhất, nhưng lại là nhóm người lãnh đạo thích nhất. Ở cùng họ dễ khiến bạn nảy sinh đố kỵ. Nhóm người này sẽ không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để được học hỏi. Họ không ngừng xây dựng các mối quan hệ, tham gia lớp đào tạo, mua sách về học, giao lưu với các đàn anh đàn chị trong và ngoài ngành, biểu hiện của một người cuồng công việc.
Trong môi trường làm việc, dễ bị đố kỵ ganh ghét nhất chính là nhóm người này, nhưng họ cũng là những người dễ thành công và được trọng dụng nhất.
Lương là để phát cho những người làm việc hằng ngày, lương cao cho những người gánh vác trách nhiệm, thưởng cho những người có thành tích, cổ phần chia cho những người giỏi giang và trung thành, vinh dự cho những người có lý tưởng, quyết định nghỉ việc là tặng cho những người vô dụng nhưng còn thích bon chen. Thị trường không có bốn mùa mà chỉ có hai mùa: Nỗ lực là mùa đắt (được mùa)! Không nỗ lực là mùa ế (mất mùa)!
Nghe giống như tiếp thị vậy, nhưng nghĩ kỹ mới thấy nó thật chí lý.