Vừa qua, một bé gái 7 tuổi nhập viện tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng râu mọc khắp mặt, miệng, toàn thân do lạm dụng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc.
Theo thông tin từ bác sỹ Nguyễn Thanh Sang, khi người mẹ mới đưa bé vào phòng khám gặp bác sỹ Sang. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt của bác sỹ là bé gái 7 tuổi mắc hội chứng Cushing với tình trạng đầy lông mặt, quanh miệng và tay chân. Bác sỹ khám lâm sàng phát hiện sau gáy của bé có một khối bướu to.
Ban đầu, khi được bác sỹ hỏi, mẹ bé phủ nhận việc cho bé dùng thuốc. Sau đó, gặng hỏi mãi mẹ bé mới kể là thấy bé gái ốm quá nên đi kê thuốc của một ông bác sỹ về uống.
Mẹ bé cho biết đã cho bé uống thuốc của một bác sỹ giấu tên. Sau 6 tháng sử dụng thuốc bé thay đổi hẳn thói quen ăn uống, suốt ngày đòi ăn, mập mạp, mũm mĩm, “có da có thịt” hơn nên cả nhà ai cũng mừng vì từng đi khám dinh dưỡng nhiều nơi nhưng không khả quan. Chỉ trong vòng 6 tháng dùng thuốc bé đã tăng 10kg. Tuy nhiên sau đó thì bé bắt đầu mọc lông khắp người, lúc này mẹ bé mới vội vàng dđưa bé đi khám.
Bác sỹ Sang cho biết, trong các thuốc bé sử dụng có một loại là Dexamethasone, đây là một corticosteroid có tác dụng kháng viêm rất mạnh. Bình thường, các bác sỹ thường sử dụng Dexamethasone cho những bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu hay thiếu máu tán huyết, thậm chí là thuốc hóa trị liệu ung thư. Tác dụng phụ của nó rất rất nhiều và vô cùng tác hại, một số biến chứng lên gan và thận nặng nề.
Thần dược hay thuốc độc?
Thạc sỹ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết Thái Hà chia sẻ, Dexamethasone là một hoạt chất corticoid chữa đủ bệnh từ kháng viêm tới thuốc bổ.
Bác sỹ Cường cho biết, corticoid như con dao hai lưỡi và chỉ định dùng phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sỹ không phải ai cũng dùng được. Đáng lo ngại hơn khi loại thuốc này đang bán rất rộng rãi. Thậm chí, nhiều bác sỹ, lương y, dược sỹ không có “tâm” vẫn phớt lờ tác dụng phụ của nó bán cho người dân.
Những viên thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: Soha)
Lạm dụng coritcoid gây ra hội chứng Cushing do thuốc, thường gặp trong các bệnh lý cơ xương khớp, bệnh lý về máu, hen phế quản… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, 1 số bệnh nhân sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, tên chế phẩm corticoid tại phòng khám tư nhân nhằm giảm đau, chống dị ứng nhưng lạm dụng liều lượng.
Xét nghiệm Cortisol huyết thanh giảm hầu hết bệnh nhân có tiền sử dùng Corticoid dưới dạng thuốc như Prednisolon, dexamethasone, K-Cord, Medrol… Đây là hội chứng thường gặp nhất trong lâm sàng và biến chứng nặng nề như suy thượng thập cấp, suy kiệt rối loạn điện giải nặng, nhiễm trùng cơ hội…
Đa số là do người bệnh bỏ thuốc đột ngột dẫn tới nồng độ cortisol huyết thanh giảm, trong khi đó vỏ thượng thận bị ức chế bởi glucocorticoid ngoại lai chưa kịp hồi phục.
Ngoài ra, những tác dụng phụ của corticoid khi dùng thời gian ngắn thể hiện rõ nhất đối với người dùng là mụn trứng cá, thay đổi tính cách đột ngột, tăng sự thèm ăn.
Tác dụng phụ khi dùng corticoid đường uống dài ngày có thể gây ra các tác dụng khủng khiếp hơn như yếu cơ, tăng đường máu, tăng mỡ máu, hôn mê tăng đường máu, loãng xương, gãy xương tự phát.
Đối với các thuốc mắt có chứa corticoid có thể gây ra các bệnh Glôcôm tăng nhãn áp: đau nhức mắt, giảm thị lực, đục thủy tinh thể. Corticoid dùng cho da gây mỏng da, teo da
Minh Nguyên (Theo Trí Thức Trẻ)