Tuy nhiên muốn con của bạn trở thành “con nhà người ta” thì trước hết cha mẹ cũng cần có một số đặc điểm sau đây.
Chẳng hiểu sao, nhưng bố mẹ nào cũng luôn áp đặt tiêu chuẩn của “con nhà người ta” lên con mình. Con nhà người ta thông minh, ngoan ngoãn, mang điểm cao về nhà… trong khi con mình thì “ba chấm”.
Tuy nhiên muốn con của bạn trở thành “con nhà người ta” thì trước hết cha mẹ cũng cần có một số đặc điểm sau đây.
1. Biết cách dạy con làm việc nhà
“Nếu trẻ không tự rửa bát, nghĩa là chúng biết có ai đó đang làm thay cho chúng”. Julie Lythcott – Haims, tác giả của cuốn sách “Làm sao để dạy một người lớn” – chia sẻ trong một sự kiện của TED Talk.
Hãy tập cho trẻ làm việc nhà từ sớm
“Trẻ phải được học rằng chúng phải hoàn thành công việc của mình và mỗi cá nhân phải đóng góp cho sự thành công của tập thể”.
Julie tin rằng những bé được tập làm việc nhà từ nhỏ khi lớn lên sẽ trở thành những nhà lãnh đạo có mối tương tác tốt với nhân viên, và sẽ có những sự đồng cảm hơn với họ. Lý do là vì chúng biết những công việc tuy nhỏ nhặt nhưng lại có thể khó khăn như thế nào.
2. Dạy trẻ kỹ năng sống
Những nhà nghiên cứu tại bang Pennsylvania và ĐH Duke của Mỹ đã theo dõi 700 đứa trẻ trên khắp nước Mỹ, từ mẫu giáo đến tuổi 25, và nhận thấy một mối tương quan giữa kỹ năng sống và sự thành công của trẻ khi đã trưởng thành vào 20 năm sau.
Nghiên cứu kéo dài 20 năm này cho thấy những bé làm việc với bạn bè một cách hòa đồng, tốt bụng với mọi người, cảm thông và thấu hiểu cảm xúc những người xung quanh và tự biết giải quyết vấn đề của mình, có xu hướng tốt nghiệp đại học và có một công việc toàn vào năm 25 tuổi hơn là những bé không có kỹ năng sống.
Trong khi những bé thiếu kỹ năng sống lại có khả năng phạm pháp cao, luôn trong tình trạng say xỉn và không có công việc ổn định.
Vì vậy, ngay từ khi bé còn nhỏ, phụ huynh đã có thể định hướng tương lai cho con em mình bằng cách dạy cho chúng những kỹ năng mềm cần thiết để chúng có thể thích nghi tốt với xã hội sau này. Nếu không làm được thì đừng trách chúng không trở thành “con nhà người ta”.
3. Theo sát con cái
Một nghiên cứu năm 2014 đối với 243 người sinh ra trong các gia đình nghèo khó cho thấy những đứa trẻ được nhận nhiều “tình thương” trong 3 năm đầu cuộc đời không chỉ đạt kết quả tốt hơn ở trường học mà còn có những mối quan hệ lành mạnh và được giáo dục tốt hơn khi chúng lớn lên.
Tình cảm gia đình cũng là một nhân tố không thể thiếu trong sự thành công của trẻ
Những bậc cha mẹ như vậy thường rất nhạy cảm với thay đổi của trẻ, luôn trả lời những dấu hiệu của trẻ một cách đúng đắn và cho trẻ một bàn đạp vững chắc để chúng có thể khảm phá thế giới.
Điều này cho thấy việc thành lập một mối quan hệ tốt giữa cha mẹ – con cái có thể cho những kết quả tốt trong suốt cuộc đời của trẻ.
4. Không khiến những căng thẳng của mình ảnh hưởng đến trẻ
Theo kết quả nghiên cứu của Brigid Schulte tại The Washington Post, lượng thời gian mà những bà mẹ dành cho con mình trong độ tuổi từ 3 đến 11 thực sự không có ý nghĩa nhiều trong việc định hướng cách ứng xử của trẻ hay thành tựu của trẻ trong tương lai, mà thái độ của cha mẹ với trẻ mới là điều quyết định.
Không phải lúc nào cũng dành thời gian cho con là tốt
“Sức ép đến từ những người mẹ, đặc biệt khi họ chịu nhiều căng thẳng trong công việc nhưng vẫn cố gắng dành thời gian giám sát con trẻ có thể gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến chúng.”
Cảm xúc của người mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ cũng như hiệu ứng tâm lí bắt sóng cảm xúc của nhau như lây bệnh giúp giải thích việc này. Nếu bạn vui, sự bừng sáng trên khuôn mặt có thể khiến trẻ vui, nhưng nếu bạn buồn, sự nhăn nhó cũng lây lan nữa.
Và lúc đó, đừng trách móc trẻ nếu nó không giỏi như bạn nghĩ. Âu cũng là do bản thân mà thôi.
Theo Thiên Dung
Tri Thức Trẻ