Tuy nhiên vì nó không nguy hại ngay lập tức như ma túy nên thường bị xem nhẹ. Hãy nhớ rằng, cuộc sống thực sự của con người là ở ngoài xã hội chứ không phải trên màn hình điện thoại nhé bạn!
Ngày nay, điện thoại thông minh len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Nó trở thành phương thức liên lạc giữa mọi người, là công cụ ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa.
Hơn bao giờ hết, smartphone mang tới kho tàng tri thức vô tận và khơi nguồn sáng tạo nơi mỗi người. Chúng còn trở thành trò tiêu khiển những lúc buồn chán. Tất cả gói gọn trong thiết bị nằm lọt bàn tay. Tuy nhiên do tính chất “quá hoàn hảo”, và đáp ứng được nhiều tác vụ trong cuộc sống, nên smartphone được đón nhận có phần “thái quá”, và đã bắt đầu xuất hiện mặt tiêu cực trong một vài năm trở lại đây, khiến chúng ta dường như quá phụ thuộc nó thay vì tận hưởng cuộc sống đang diễn ra.
Vai trò của điện thoại thông minh lớn dần từng ngày, tới mức tạo ra sức hấp dẫn đến khó cưỡng. Dù cố tình lờ đi, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn cầm máy lên để trả lời tin nhắn, nhận cuộc gọi điện hay xem thông báo từ các mạng xã hội. Không chỉ phá bĩnh giấc ngủ, smartphone còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như các mối quan hệ trong cuộc sống.
Nhiều người luôn bị ám ảnh rằng mình có tin nhắn hoặc bình luận từ mạng xã hội cần trả lời. Cảm giác rời điện thoại như thể tách biệt khỏi thế giới vì ngày càng có nhiều người xem đó là cách giao tiếp duy nhất với xã hội.
Bộ ảnh mang tên “iPhonopatia” (tạm dịch là “căn bệnh iPhone”) do nhiếp ảnh gia Andrea Taschin thực hiện mới đây đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng nhờ ý tưởng “độc, lạ”, khai tác sự xói mòn cuộc sống của điện thoại thông minh dưới góc nhìn châm biếm.
Cùng thưởng thức bộ ảnh có phần “ám ảnh”, phác họa những tác động tiêu cực của smartphone tới cuộc sống của chúng ta.
Smartphone xuất hiện trong từng miếng ăn giấc ngủ của mỗi người.
Ánh sáng xanh của màn hình hấp dẫn những kẻ nghiện như ánh lửa hấp dẫn hàng trăm con thiêu thân!
Thời đại mà smartphone còn quan trọng hơn không khí…
… hay hơn cả lọ nước truyền dịch, thiếu nó người ta không thể sống được.
Việc cập nhật tin tức hay “đếm like” trên mạng xã hội quan trọng tới mức thời gian để phục vụ những nhu cầu cơ bản cũng không có.
Con người dường như cho phép bản thân cô đơn chứ không muốn rời chiếc điện thoại để ra ngoài tìm kiếm “một nửa” của mình.
Người ta chỉ muốn nhìn bản thân qua “gương thần” – các ứng dụng chỉnh sửa ảnh – mà quên đi khuôn mặt thật của chính mình.
Vì những người trẻ quá bận “dính” với điện thoại nên người già cũng chẳng còn cách nào khác hơn là tự đem lại hơi ấm cho mình bằng chính thứ đẩy họ tới hoàn cảnh hiện tại không ai bên cạnh.
Nếu trẻ con cần dây rốn để sống trong bụng mẹ thì giờ đây người trưởng thành cần nó để kết nối tới smartphone – thứ giúp họ “sống ảo”.
Tất cả như bị giam trong ngục tù của công nghệ mà công cụ chính là chiếc điện thoại thông minh.
Có lẽ không ít người biết rằng mình đang sống phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, điển hình là chiếc smartphone. Tuy nhiên vì nó không nguy hại ngay lập tức như ma túy nên thường bị xem nhẹ. Hãy nhớ rằng, cuộc sống thực sự của con người là ở ngoài xã hội chứ không phải trên màn hình điện thoại nhé bạn!