Gặp bầy ong, voi châu Phi lắc đầu liên tục và lập tức phủ cát lên người, còn voi châu Á la hét, chạy trốn trong sợ hãi.
Điều này nghe thật kỳ lạ: loài động vật lớn nhất trên cạn lại sợ một con côn trùng bé nhỏ. Nhưng voi cũng không có gì phải “xấu hổ”: nhờ những động vật bé nhỏ này, voi sẽ được “bảo vệ” về lâu dài.
To xác và có lớp da dày nhưng voi rất sợ ong - (Ảnh: Live Science).
Theo trang The New York Times, vòi tiêm của ong không thể xuyên qua lớp da dày của voi. Tuy nhiên cả đàn ong, nhất là những loài hung dữ ở châu Phi cùng “công kích” một con voi ở những vùng nhạy cảm như vòi, miệng, mắt sẽ vô cùng đau đớn.
Một nghiên cứu mới đây do ĐH Oxford (Anh) thực hiện cho thấy loài voi châu Á cũng vô cùng sợ ong. Ở những nơi như Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, loài voi đang bị đe dọa gấp 10 lần so với những con voi châu Phi.
Tuy nhiên, voi châu Á phản ứng không giống voi châu Phi khi “chạm mặt” phải bầy ong. Trong khi voi châu Phi lắc đầu liên tục và ngay lập tức phủ cát lên người, voi châu Á lại la hét, chạy trốn khỏi bầy ong, đưa vòi vào miệng và đập vòi xuống đất trong sợ hãi.
Không chỉ voi, hung bạo như sư tử cũng phải e dè với loài ong bé nhỏ - (Ảnh: Getty Images).
Ngày nay, các nhà khoa học vận dụng nỗi sợ này để giúp đỡ voi rừng.
Voi là một trong những loài động vật đang bị đe dọa toàn cầu, trong đó một trong những mối nguy chính là voi thường xuống các làng bản tìm thức ăn có thể bị nông dân xua đuổi, thậm chí bắn chết.
Do đó, các nhà khoa học đã thúc đẩy các nông dân sử dụng thứ “vũ khí sinh học” này để thiết lập một hàng rào an toàn bảo vệ trang trại khỏi bị voi rừng tấn công.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu từ ĐH Oxford thiết lập một hàng rào bằng tổ ong ở châu Phi, mỗi tổ đặt cách nhau khoảng 20 mét. Kết quả, hệ thống bảo vệ này có thể đuổi 80% con voi “bén mảng” đến trang trại.
Các tổ ong phải được cố định chắc chắn trên hàng rào, tuy nhiên vẫn có thể đung đưa linh hoạt giúp ong dễ dàng bay ra khỏi tổ khi có kẻ xâm phạm lãnh thổ.
Kế đó, tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ Save The Elephants tiến hành tổ chức lắp đặt hàng rào tổ ong cho các trại với giá 1.000 USD/mẫu. Phương án này chỉ tốn chi phí bằng 1/5 so với sử dụng lưới điện.
Ngoài bảo vệ tài sản, bảo vệ đàn voi, các chủ trang trại còn có thêm lợi nhuận với khoản thu từ mật ong hằng năm.
Hàng rào ong đang được thử nghiệm tại 11 quốc gia ở châu Phi, 4 quốc gia ở châu Á và được các nông dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đến hết năm 2017, số lượng trang trại tình nguyện thí điểm mô hình này trên toàn cầu đã lên con số 200.
Nông dân làm hàng rào ong ở Sri Lanka - (Ảnh: Lucy King).
“Ban đầu khi thuyết phục các nông dân làm theo phương pháp này, họ tưởng chúng tôi điên. Lúc đó chúng tôi phải tặng miễn phí những tổ ong cho nông dân dùng thử. Kết quả, giờ đây họ đang xếp hàng để được dùng sản phẩm”, tiến sĩ Lucy King từ ĐH Oxford cho biết.
Tuy nhiên tiến sĩ King cũng cho biết với những trang trại quá rộng, những “anh lính” ong không đủ sức bảo vệ. “Cần lợi dụng thêm những “nỗi sợ” khác của voi như tiếng chó sủa hay tiếng đạn chỉ thiên”, King nói.
Vậy nếu chúng ta thiết kế những tổ ong “giả” để dọa voi liệu có được không? Câu trả lời là không, vì voi rất thông minh. Các nhà khoa học đã thử thu băng tiếng kêu của đàn ong và cho voi nghe thử, tuy nhiên voi nhanh chóng nhận ra chẳng có mối nguy hiểm nào đe dọa chúng.
Voi rừng rất khó chịu khi đối mặt với đàn ong - (Ảnh: Getty Images).
Nhà khoa học Steeve Ngama từ ĐH Liège (Bỉ) cho biết nhóm của cô cũng đã thực hiện một nghiên cứu tương tự và cho rằng sử dụng ong để đuổi voi là một ý tưởng rất hay.
Tuy nhiên, cô cho biết trong nhiều trường hợp, voi tỏ ra thông minh hơn bầy ong và sẽ tìm ra những cách vượt qua lớp bảo vệ từ bầy ong, nhất là khi trước mặt là những nguồn thức ăn giá trị.
Theo Tuổi Trẻ