Lần đầu tiên trong lịch sử, con người sẽ có thể nhìn thấy hình ảnh thật và rõ nét về lỗ đen của vũ trụ.
Những ngày gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu vận hành hệ thống kính thiên văn toàn cầu có tên gọi Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (Event Horizon Telescope – EHT) với mục đích chụp được những hình ảnh rõ nét về lỗ đen vũ trụ, điều chưa từng làm được trong lịch sử.
Hình ảnh về lỗ đen vũ trụ được thực hiện trên máy tính.
Còn hình ảnh thật của nó chỉ là như thế này.
Một trong những đối tượng đầu tiên của họ là Sagittarius A* (viết tắt là Sgr A*), lỗ đen khổng lồ nằm ở trung tâm của Dải ngân hà, với khoảng 4 triệu mặt trời xung quanh. Vì đây là lỗ đen có kích thước quá lớn và ở khoảng cách tương đối gần với Trái Đất (khoảng 25.600 năm ánh sáng) nên nó là lỗ đen lớn nhất có thể được nhìn thấy trên bầu trời của chúng ta. Kích thước của nó là xấp xỉ 100 đơn vị thiên văn (Astronomical Unit – AU), mà 1 đơn vị thiên văn được tính theo khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời, tức khoảng 150 triệu km.
Từ trước đến nay, khi nhìn vào các lỗ đen, các nhà thiên văn học chỉ nhìn thấy ánh sáng phát ra từ một chiếc đĩa vật chất xoay quanh lỗ đen, còn tất cả những thứ gì nằm bên trong nó đều không thể thấy được vì ánh sáng không thể đi đủ nhanh để bứt khỏi lực hút của lỗ đen và thoát ra ngoài. Hơn nữa, các thiết bị thiên văn hiện tại đều không đủ độ phân giải để giúp chụp được những hình ảnh gần với lỗ đen hoặc thậm chí là hình dạng của nó. Do đó, những hình ảnh chúng ta được nhìn thấy từ trước đến nay về lỗ đen đều chỉ là hình ảnh đồ họa trên máy tính chứ không phải ảnh thật.
Địa điểm đặt những chiếc kính thiên văn.
Với Kính thiên văn Chân trời Sự kiện, các nhà khoa học sẽ sử dụng một kỹ thuật đòi hỏi nhiều kính thiên văn cùng quan sát một vật thể ở nhiều địa điểm khác nhau trên Trái Đất, từ đó tái tạo ra những hình ảnh cực kỳ rõ nét của những khu vực rất nhỏ trên bầu trời. Những chiếc kính thiên văn này càng đặt xa nhau thì hình ảnh càng rõ nét. Chính vì thế hệ thống Kính thiên văn Chân trời Sự kiện sẽ bao gồm 8 kính thiên văn radio đặt ở Chile, Hawaii, Mexico, Nam Cực, Pháp, và Tây Ban Nha. Về cơ bản, hệ thống kính thiên văn này sẽ hoạt động hài hòa như một kính thiên văn có kích thước bằng với kích thước của Trái Đất.
Một hệ thống kính thiên văn rất mạnh đặt ở Chile.
Bằng phương pháp này, các nhà khoa học sẽ có thể nghiên cứu được cấu trúc của chiếc đĩa xoay quanh lỗ đen, không những thế họ còn biết được cách thức nó nuốt chửng vật chất cũng như những hiện tượng mà nó tạo ra.
Kính thiên văn Chân trời Sự kiện đã được đưa vào hoạt động từ ngày 05/04 vừa qua và sẽ quan sát bầu trời trong vòng một tuần rưỡi, thu thập dữ liệu từ đây cho đến ngày 14/04. Và trong vòng vài tháng tới, có thể cuối cùng chúng ta cũng được nhìn thấy tận mắt hình ảnh về lỗ đen huyền thoại của vũ trụ.
(Ảnh: NASA)