Thực tế, một “nghệ sĩ sáng tạo” thực thụ là phải đưa ra được những sản phẩm chứng minh khả năng của mình, tự tin với ý tưởng của mình và không ngần ngại đánh giá của người khác.
Nicolas Cole là một nhà văn, một “cây viết” nổi tiếng trên Quora, Time, Forbes… Hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đối với anh không hoàn toàn là khả năng trời phú, đó là sự đúc kết những bài học giá trị về công việc, cuộc sống từ chính người cố vấn, người “sếp” của anh khi mới chập chững vào nghề. Ron Gibori, một nhà kinh doanh và giám đốc sáng tạo chính là người dẫn dắt Nicolas 23 tuổi khi mới bước chân vào nghề sáng tạo, tại một đại lý quảng cáo và Think Tank ở Chicago gọi là Idea Booth.
7 bài học này không chỉ dành cho những người làm trong lĩnh vực sáng tạo như Ron hay Nicolas. Đó có thể chính là câu trả lời cho vấn đề mà bất cứ ai đang gặp phải trong cuộc sống/công việc.
1. Luôn có “cách thứ 3”
Trong những ngày đầu tiên làm việc tại Idea Booth, Ron đã yêu cầu tôi nghiên cứu cách để đăng bài quảng bá cho thương hiệu nào đó trên Flipbooard. Tôi tìm kiếm trên Google khoảng 10 phút rồi nói với ông rằng không có cách nào làm được việc này, dù cách này hay cách kia. Nhưng ông đã mỉm cười với tôi và nói: “Luôn có một cách thứ 3. Hãy cố tìm nó đi”. Và quả thật ông ấy đã đúng. Chỉ 20 phút sau, tôi đã tìm ra cách để thực hiện.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tâm niệm điều này. Bất cứ khi nào suy nghĩ “không thể làm được” xuất hiện tôi lại nhớ đến Flipboard và những ngày ở Idea Booth để tiếp tục kiếm tìm cách thức khả thi nhất.
2. Nếu ai đó thích ý tưởng của bạn ngay từ lần đầu tiên thì chứng tỏ nó không giá trị lắm đâu
Nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế đã chứng minh những ý tưởng được tán đồng nhanh nhất lại là những ý tưởng tệ hại nhất. Mọi người có xu hướng khen ngợi hoặc đồng tình vì việc đó không nguy hiểm, không có tính đe dọa hay đột phá mà chỉ luôn ở mức độ an toàn, có thể chấp nhận được. Ngược lại những ý tưởng khiến người khác phải đặt câu hỏi mới là những khám phá giá trị.
3. Chức vụ/Địa vị là vô nghĩa
Khi tôi mới đi làm tại Idea Booth, tôi mới chỉ là một sinh viên mới ra trường và bị choáng ngợp bởi những con người hào nhoáng, địa vị cao cũng như mức thu nhập “khủng” tương đương với chức vụ họ đang nắm giữ. Rồi tôi cũng muốn được như họ, tôi định nghĩa “thành công” là có được địa vị, chức vụ như thế.
Nhưng cũng lại chính Ron là người khiến tôi hiểu ra những tham vọng của tôi thực ra thật vô nghĩa. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để nhận ra những danh hiệu, chức vụ đó không thể nói lên khả năng của một người. Hãy làm việc với tất cả những gì tích cực nhất bạn có thể mang lại. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc mang địa vị/chức vụ ra để làm lá chắn trong công việc.
4. Phần thưởng không bao giờ là đủ
Đã có lúc, chàng trai 23 tuổi là tôi đam mê những chiếc xe thể thao, những bộ quần áo đẹp, những người phụ nữ đẹp vây quanh như một phần thưởng cho đích đến của công việc. Nhưng đúng như Ron đã nói: “Nếu bạn đánh giá thành công của mình bằng như gì bạn sở hữu thì sẽ chẳng bao giờ là đủ”.
Tôi của hiện tại đã biết rằng mọi phần thưởng chỉ là phù du, vì khi có 1 thì bạn sẽ muốn có thêm 10. Nhưng tất cả những điều đó rốt cuộc rồi chẳng đi đến đâu. Thành công thật sự đến từ việc bạn cảm thấy hài lòng khi hoàn thành công việc yêu thích và luôn tràn trề động lực sáng tạo ra những sản phẩm mới tốt hơn, chất lượng hơn.
5. Những ý tưởng tuyệt vời không đến từ sau bàn làm việc
Cả Ron và tôi đều có những điểm tương đồng và khác biệt rất lớn. Nếu tôi là người quen với lịch trình, với sự cố định thì Ron chẳng ngần ngại thử những điều mới mẻ, lạ lùng. Bằng nhiều cách, chúng tôi dạy cho nhau những điểm khác biệt để dung hòa và hoàn thiện bản thân. Đối với tôi, tôi học được cách bước ra khỏi khu vực thoải mái để sẵn sàng đón tiếp những kỳ lạ của cuộc sống trong khi đối với Ron, đó là việc bổ sung tính kỷ luật cho bản tính tự do, việc chú ý đến sự bền vững và tăng trưởng lâu dài. Và điều mà cả 2 chúng tôi cùng học được là sự sáng tạo không nằm ở trên bàn làm việc, trước màn hình máy tính hay trong một căn phòng kín.
Sáng tạo đến từ thế giới bên ngoài, trong bữa tối tại những nhà hàng theo concept kinh dị, khi đang xem nhạc kịch hay trên tàu lượn cao tốc, trong lớp yoga… Chúng xảy ra khi bạn bước ra thế giới và các giác quan được tiếp xúc với những điều mới mẻ.
6. Cứ đồng ý đi, dù bạn chưa biết điều đó phải làm như thế nào
Rất hiếm trường hợp bạn có thể bước vào 1 tình huống với khả năng hiểu biết toàn diện vấn đề. Hầu hết chúng ta đều ngần ngại trước những điều chúng ta chưa biết. Trừ khi đã biết chính xác điều cần làm còn nếu không, chúng ta thường chọn trì hoãn để xem xét, cân nhắc.
Sau hàng chục năm kinh nghiệm, nhìn lại con đường phát triển của chính bản thân, tôi nhận ra mình đã thừa dũng cảm để nói đồng ý với bất kỳ vấn đề gì, dù đã biết hay chưa. Những lúc đó, câu hỏi duy nhất mà tôi phải trả lời là: “Mình có đủ tự tin để tự tìm ra câu trả lời của vấn đề không?”. Đồng ý nghĩa là mở ra cơ hội, câu trả lời chắc chắn sẽ hiện ra sau, nhưng trước mắt, bạn cứ phải đồng ý đến với nó đã.
7. Những “nghệ sĩ sáng tạo” thực thụ không hề hoa mỹ, màu mè
Đây chính là bài học lớn nhất tôi học được từ Ron, đồng thời cũng là bài học khó nhất. Câu hỏi chung của những người làm nghề sáng tạo là “Người ta sẽ nghĩ gì về tôi? Liệu điều tôi tạo ra có phạm sai lầm gì không?”. Những lo ngại đó khiến họ sợ thể hiện, giấu mình dưới vỏ bọc an toàn. Họ tự gọi mình là “sáng tạo” trong khi không tạo ra được những hành động sáng tạo thật sự, trong khi những người nghệ sĩ chân chính thì luôn bận rộn với những ý tưởng chứ không còn để tâm đến cách người khác nhìn nhận và đánh giá.
Thực tế, một “nghệ sĩ sáng tạo” thực thụ là phải đưa ra được những sản phẩm chứng minh khả năng của mình, tự tin với ý tưởng của mình và không ngần ngại đánh giá của người khác.
Theo Minh An
Infonet