Theo nghiên cứu của Slickdeals, những thói quen mua sắm mà không có kế hoạch 3 lần mỗi tuần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tài chính của bạn.
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, trang Bright Side tổng hợp những thói quen gây tổn hại đến tình hình tài chính cá nhân mà người trẻ nên từ bỏ nếu không muốn 30 tuổi mà vẫn chưa có gì trong tay:
1. Nghiện mua sắm
Mua sắm có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn nhưng nó thực sự là một thói quen tài chính tệ. Bạn có thường xuyên mua sắm mà không lên kế hoạch trước? Theo nghiên cứu của Slickdeals, những thói quen mua sắm mà không có kế hoạch 3 lần mỗi tuần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tài chính của bạn.
Chuyên gia tài chính cũng chỉ rằng và giải thích tại sao thường xuyên ghé qua các điểm bán lẻ là một ý tưởng tồi. Khi tới cửa hàng, bạn có thể mua rất nhiều thứ không cần thiết. Mặc dù chúng có thể không đắt đỏ, nhưng khi 1 năm tổng kết lại bạn sẽ bất ngờ vì số tiền khổng lồ mình đã chi tiêu. Hơn thế nữa, mua sắm mà không suy nghĩ có thể chỉ ra rằng, bạn chỉ đang cố gắng giải tỏa vấn đề tâm lý, nhưng điều đó không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Hãy trò chuyện với bạn thân, đi dã ngoại cùng đồng nghiệp hay chơi thể thao ở một không gian mở để cải thiện tâm trạng thay vì đi mua sắm. Những hoạt động này rõ ràng hữu ích hơn trong việc tiết kiệm tài chính.
2. Sử dụng tiền trong thẻ tín dụng như tiền của chính bạn
Thẻ tín dụng không phải một nguồn thu nhập – nhiều người dường như quên mất điều này. Nếu bạn tiêu tiền trong thẻ tín dụng như tài sản của bạn, hãy dừng lại ngay. Thẻ của bạn có thể có hạn mức chi tiêu cao, nhưng để không mất thêm một khoản lãi cho ngân hàng, bạn phải thanh toán hết nợ hàng tháng. Nếu chi tiêu quá thoải mái với thẻ tín dụng, bạn sẽ luôn sống trong cảnh nợ nần.
3. Không lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ
Các kỳ nghỉ bất ngờ sẽ là một vấn đề lớn đối với tài khoản ngân hàng của bạn bởi vé máy bay và khách sạn có thể đắt gấp nhiều lần so với khi bạn đặt trước. Thông thường, thứ 3, thứ 4 là những ngày các chuyến bay, giá phòng khách sạn rẻ nhất. Cuối tuần luôn là thời điểm giá cho một chuyến du lịch tăng vọt.
4. Không mua hàng hóa tích trữ
Bạn vẫn nghĩ rằng chỉ có những bà nội trợ mới mua hàng tiêu dùng hàng loạt. Bạn sai rồi. Không có gì buồn cười khi bạn mua cả bịch to giấy vệ sinh, hay hàng thùng sữa hay những chai dầu gội lớn… Nhất là khi chúng có hạn sử dụng khá dài.
Tích trữ những mặt hàng tiêu dùng cần thiết trong nhà sẽ ngăn bạn chi tiêu nhiều tiền cho những thứ không cần thiết bởi bạn đã có nguồn cung cấp dài hạn tại nhà. Thông thường, các cửa hàng, siêu thị còn giảm giá mạnh khi mua hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra chất lượng chúng kỹ trước khi mua.
5. Không sử dụng thẻ tích điểm, voucher khuyến mãi
Các cửa hàng, siêu thị thường cung cấp thẻ tích điểm để nhận ưu đãi giảm giá cho các khách hàng quen của họ và bạn không có lý do gì lại lãng phí sự ưu đãi đó, Ví dụ như, các hãng máy bay cho phép khách hàng tích điểm bằng cách đếm quãng đường đi và giảm giá với khách hàng thường xuyên. Sử dụng các loại thẻ này khi mua sắm, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền.
6. Không bao giờ mặc cả
Ở nhiều nơi, cả người bán và người mua đều có thể mặc cả. Điều này sẽ rất tốt đối với người ưa tiết kiệm. Bạn có thể mặc cả khi mua mọi thứ từ một căn hộ, đồ nội thất hay một thiết bị điện tử. Nếu có thể thương lượng, bạn luôn có cơ hội được giảm giá. Đừng bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm tiền, bạn chỉ cần hỏi xem liệu món đồ có được giảm giá hay ưu đãi hay không.
7. Không tham khảo ý kiến người thân khi mua những thứ có giá trị
Trước khi mua những món đồ có giá trị lớn trong gia đình, bạn nên tham khảo ý kiến từ cha mẹ hay vợ chồng. Họ là người thân và sẽ luôn ở cùng nhóm lợi ích với bạn. Hãy thảo luận về kế hoạch của bạn với gia đình, có thể bạn sẽ nhận được những lời khuyên có giá trị.
8. Mua quần áo không phù hợp với những thứ bạn đã có
Một đôi giày hào nhoáng có thể chỉ được sử dụng 1, 2 lần, một chiếc túi đắt tiền có thể sẽ mau chóng đóng bụi trong tủ đồ của bạn. Nhưng quyết định mua chúng có thể khiến tình trạng tài chính của bạn gặp vấn đề. Đặc biệt là khi bạn mua quần áo, giày dép không phù hợp với những thứ bạn đã có sẵn.
Bạn nên thành thực với tình hình tài chính của bản thân và chọn mua trang phục phù hợp với những thứ bạn đã có sẵn. Những món đồ cũ bạn không dùng tới nữa, hãy nghĩ tới việc thanh lý chúng. Dù sao, bạn cũng sẽ thu lại được một khoản tiền.
9. Mua trà sữa mỗi ngày
Các nhà khoa học Anh tính toán rằng, mỗi nhân viên văn phòng Anh sử dụng 510 USD mỗi năm để mua cà phê hay đồ uống khác. Dĩ nhiên, giá của một cốc cà phê, trà sữa ở mỗi nơi khác nhau, nhưng tổng số tiền chi cho đồ uống mỗi năm sẽ không hề nhỏ. Hãy tự làm đồ uống đơn giản tại nhà để mang đi làm thay vì ngày nào cũng uống một ly cà phê, trà sữa đắt đỏ. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không ngờ hàng tháng.
10. Không tiết kiệm tiền hàng tháng
Bạn đã từng lâm vào tình cảnh: 1 tuần nữa mới đến kỳ lương nhưng số tiền còn lại không đủ cho các bữa ăn thường ngày? Nếu điều đó xảy ra với bạn, đó là một tin xấu. Bạn nên cân nhắc lại thói quen chi tiêu, tiết kiệm của mình. Ít nhất, mỗi tháng bạn nên trích khoảng 10% thu nhập để tiết kiệm, đề phòng những trường hợp khẩn cấp, hoặc tái đầu tư cho tương lai.