Theo ông Vinh, đất của ông đã cho con trai là Đỗ Văn Quang và vào năm 2000 đã được UBND huyện Tam Đảo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X478794, diện tích 7.888m2. Năm 2002, anh Quang có đơn tặng cho một phần đất cho hai người chị của mình là Đỗ Thị Sinh và Đỗ Thị Chúc, mỗi người 1.500
Ông Đỗ Quang Vinh (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) khiếu nại về việc Dự án Hồ chứa nước Đồng Mỏ lấy đất của gia đình ông, nhưng không cấp đất tái định cư đúng quy định.
Hình minh họa.
Theo ông Vinh, đất của ông đã cho con trai là Đỗ Văn Quang và vào năm 2000 đã được UBND huyện Tam Đảo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X478794, diện tích 7.888m2. Năm 2002, anh Quang có đơn tặng cho một phần đất cho hai người chị của mình là Đỗ Thị Sinh và Đỗ Thị Chúc, mỗi người 1.500m2 đất.
Việc tặng cho này có xác nhận của UBND xã Đạo Trù. Mặc dù trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên anh Quang, nhưng thực tế thửa đất đã được phân chia cho ba hộ, các gia đình đã xây dựng nhà cửa, sinh sống và sản xuất ổn định từ năm 2002.
Đối chiếu theo khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai, các hộ được cho đất đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ (có giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất), có đủ điều kiện để được hưởng chế độ tái định cư theo quy định của pháp luật, nhưng các hộ đã không được cấp đất tái định cư.
Ngoài ra, theo Văn bản số 6175/UBNDNN1 ngày 13/12/2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về cơ chế bồi thường và chính sách hỗ trợ tái định cư của Dự án Hồ chứa nước Đồng Mỏ quy định: đối với trường hợp các hộ dân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng được UBND xã Đạo Trù xác nhận đất đó không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch thì được giao đất tái định cư 200m2 đất ở.
Thực tế, có một số hộ trong dự án đã được áp dụng các quy định này để bố trí tái định cư. Quá trình thu hồi đất, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ba hộ gia đình chỉ được bồi thường và hỗ trợ về đất mà không được bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi, chi phí di chuyển…, trong khi Điều 83 Luật Đất đai, quy định các khoản hỗ trợ gồm: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; đào tạo chuyển đổi nghề và tìm việc làm…
Riêng hai hộ bà Sinh, bà Chúc không được hỗ trợ đất vườn mặc dù khoản 1, Điều 17 Quyết định 35/2014/QĐ- UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quy định: hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở, đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở… thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 40% giá đất ở của thửa đất đó.
Các hộ còn cho biết, khi triển khai phương án thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, các cấp chính quyền đã không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục thông báo, thu hồi đất. Theo quy định của Luật Đất đai, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người bị thu hồi và thông báo thu hồi phải gửi cho từng người, họp phổ biến đến người dân…
Nhưng các hộ đã không được thông báo, chỉ khi cán bộ chính quyền địa phương đến thông báo số tiền đền bù thì các hộ mới biết đất bị thu hồi. Trong niêm yết, số tiền đền bù của các hộ lại ít hơn số tiền trong phương án đền bù.
Cho đến nay, các hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù vì số tiền đền bù không thống nhất và không được cấp đất tái định cư. Các hộ cũng đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng. Ngày 16/12/2015, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết các khiếu nại theo thẩm quyền, nhưng đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa có văn bản trả lời.
Người kiến nghị thông qua báo chí đã gửi lời đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc sớm giải quyết khiếu nại nói trên, bảo đảm quyền lợi chính đáng của dân.
Lê Minh (Pháp luật plus)