“Từ khóa quan trọng ở đây là ‘tự chủ’,” Zormorodi nói. “Bạn phải biết cách xác định mục đích trong việc mình sử dụng công nghệ vì nếu không sẽ bị rơi vào vòng xoáy lướt web vô tận và phí thời gian.”
Trong suốt 31 ngày vừa qua, sau thời điểm tôi bước chân qua cánh cửa phòng, tôi đã quyết định sống một cuộc sống không có công nghệ, không cần tới những thứ màn hình sáng lóa mọi ngày nữa. Không TV, không điện thoại, không máy tính. Đúng vậy! Đó là một cuộc thử thách mà tôi và bạn cùng phòng nghĩ ra vào khoảng cuối năm ngoái để khởi đầu với một tháng “chay tịnh với công nghệ”, giống như việc nhiều người quan niệm kiêng rượu bia vào năm mới vậy. Trước đó, chúng tôi luôn có những thói quen không tốt như dán mắt vào TV mỗi khi ăn tối và nhiều thứ khác. Vì vậy, lần này chúng tôi quyết định tự đặt ra giới hạn cho bản thân để trở nên khác biệt một chút.
Nhưng cả 2 chúng tôi đều làm nghề báo, do đó tất nhiên màn hình là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Máy tính và smartphone là vật bất ly thân trong công việc để giữ liên lạc và trao đổi. Nhưng ít nhất, chúng tôi có thể đặt ra các luật lệ mới khi về nhà để tự mình tuân theo.
Đơn giản thôi, nhưng cũng khó khăn muôn phần: Không TV – Không máy tính – Không điện thoại.
Sẽ có một vài ngoại lệ nhất định: Bạn có thể sử dụng điện thoại để tra cứu một công thức làm món ăn, hay bật playlist nhạc có sẵn. Ngoài ra, nếu có dự án công việc cần hoàn thành gấp thì cũng có thể phá lệ một chút. Còn lại thì mọi trường hợp đều phải dẹp chúng sang một bên, kể cả thời gian rảnh buổi tối hay cuối tuần trong suốt một tháng.
“Tôi muốn tự kiểm soát bản thân không bị bó buộc trong không gian màn hình nhỏ xíu đó nữa,” bạn cùng phòng Stuart chia sẻ. “Nó như việc bạn sử dụng đường vậy. Đột ngột cắt đứt mọi sự cung cấp nó sẽ rất khó khăn, như thể đó là một cơn nghiện rồi vậy.”
Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về tác động của việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình máy tính ở độ tuổi còn nhỏ, nhưng đối với người lớn thì lại ít người quan tâm. Ít nhất thì chúng ta vẫn nhận thức được rằng nhìn chằm chằm vào chúng mỗi đêm sẽ có tác hại nhất định, và ngay cả thói quen làm việc liên tục trên các thiết bị đó hàng ngày cũng ảnh hưởng tới hiệu suất của não. Đó chính là những lý do chính đáng nhất để chúng tôi thực hiện kế hoạch này.
Trước khi bắt tay vào tiến hành, chúng tôi cũng lập ra những dự định và mục tiêu trong tháng đó, như trò chuyện nhiều hơn, tiếp xúc và tương tác với nhau thay vì màn hình điện thoại, tự thưởng cho mình thời gian để làm các việc khác như tập gym, đi dự triển lãm… Chúng tôi tin rằng nếu không có sự rắc rối và làm phân tâm bởi những thiết bị hiện đại kia, năng lượng và quỹ thời gian quý giá sẽ tăng lên nhiều đáng kể. Đó là sự thật, dù đôi khi vẫn có những giới hạn nhất định.
Vài ngày đầu có vẻ khá lý tưởng khi chúng tôi về nhà, bật nhạc và nấu ăn cùng nhau, cùng ngồi vào bàn và thưởng thức. Sau đó, Stuart chơi guitar còn tôi đọc sách, với mọi việc nhà đã được hoàn thành xong xuôi và ngăn nắp.
“Tôi cảm thấy như thể sống trong những năm 20 vậy,” Stuart bộc bạch. “Họ cứ chỉ ngồi xung quanh căn phòng của mình trò chuyện và nghe nhạc, vì đó là những lựa chọn duy nhất có sẵn. Cảm giác lúc đó cũng khá tuyệt.”
Nhưng rồi kỳ nghỉ cuối tuần đến…
Khi bạn chỉ dành ra vài giờ vào mỗi tối để làm việc mà bỏ qua màn hình công nghệ, không có nhiều trở ngại gì để chúng tôi vượt qua cả. Nhưng bỗng bất chợt con số đó tăng lên thành 48 giờ liên tiếp không có sự xuất hiện của chúng, nó sẽ thật sự như là một màn ám ảnh và tra tấn vậy. Dù sao thì tìm kiếm giải pháp giải trí thay thế cũng không quá khó, vì chúng tôi sống ở nội thành New York. Thỉnh thoảng chúng tôi tới phòng tập gym, rồi có lúc lại đi dạo và khám phá các khu lân cận, lập ra các kế hoạch với bạn bè và thực hiện chúng, rồi tới Bảo tàng Ảnh động để tham dự một buổi triển lãm của Martin Scorsese.
Sau một thời gian, chúng tôi càng có nhiều động lực hơn để hoàn thành thử thách này,
“Nó khác với việc bạn tạo thói quen tập luyện thường xuyên hay ăn uống lành mạnh, vì chúng cần một thời gian khá dài để thấy được kết quả. Nhưng việc chúng tôi đang làm thì lại khác, bạn có thể ngay lập tức cảm thấy sự đổi thay,” phat biểu bởi Manoush Zormorodi, chủ chương trình Note to Self tại WNYC Studio. “Do vậy, bạn sẽ liên tục được cổ vũ tinh thần trong quá trình đó.”
Note to Self gần đây cũng đưa ra nhiều lời khuyên cho các vấn đề liên quan đến sử dụng công nghệ quá nhiều, và họ cũng tạo ra các kế hoạch để người tham gia bỏ đi được các thói quen xấu. Một dự án trong đó có tên gọi “Bored and Brilliant” đã yêu cầu các thành viên liên quan tự chấp nhận lâm vào tình trạng chán chường, để từ đó tự động viên bản thân làm điều gì đó sáng tạo và thú vị hơn.
Mối liên hệ giữa buồn chán và sáng tạo đó cũng dần xuất hiện ở tôi và Stuart. Anh ấy dần theo đuổi sở thích vẽ của mình sau khi bỏ quên nó suốt nhiều năm qua. Tôi thì bát đầu tập viết thơ lại – đam mê từ thời còn đi học đại học. Mọi cảm hứng dần quay về, và tất cả mọi thứ cần làm là tắt màn hình rồi tự thả hồn theo cuộc sống.
Mối quan hệ bạn bè của chúng tôi cũng có nhiều tiến triển. Cả 2 cùng nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn, về nhiều thứ sâu sắc cũng như các chủ đề quen thuộc hằng ngày. Trước đó, dù vẫn liên tục tiếp xúc với nhau nhưng không bao giờ có được không khí thân mật như vậy.
Tuy nhiên, cũng có lúc mọi thứ không đi đúng theo kế hoạch đặt ra. Đơn giản vì có nhiều thời gian để thực hiện dự định bản thân là tốt, nhưng tiền bạc và tài chính vẫn là một vấn đề cần thiết, hoặc đôi khi bạn vẫn cảm thấy bức bối vì tò mò về nội dung một tập phim của series yêu thích…
“Không phải tối nào chúng tôi cũng chỉ nói chuyện với nhau. Nhiều lúc không có việc gì làm, chúng tôi lại lôi các câu đố chữ vui ra làm để tránh việc rơi vào cảm giác buồn chán,” Stuart cho biết.
Gần về cuối tháng, thi thoảng chúng tôi lại vô tình phạm phải các điều kiện đặt ra. Tôi bất chợt thấy mình đang lướt qua Facebook khi lẽ ra việc cần làm là tìm đường đến một nhà hàng, và Stuart cũng bị bắt gặp đang đọc tin tức trên Twitter cuối tuần trước.
Nhưng nhìn chung thì chúng tôi đều đã nhận được rất nhiều lợi ích từ việc quyết định tắt mọi thiết bị công nghệ trong cuộc sống. Sau này, chúng tôi muốn sử dụng công nghệ một cách tự chủ, điều độ và hiệu quả nhất.
“Từ khóa quan trọng ở đây là ‘tự chủ’,” Zormorodi nói. “Bạn phải biết cách xác định mục đích trong việc mình sử dụng công nghệ vì nếu không sẽ bị rơi vào vòng xoáy lướt web vô tận và phí thời gian.”
Đó là lý do tại sao những kế hoạch và chương trình như trên hoàn toàn khác với một trò thử thách vui vẻ: chúng dạy con người các đặt ra các giới hạn để tự cân nhắc bản thân và không làm điều gì lãng phí. Mỗi người sẽ có một cách nhìn và áp dụng khác nhau, nhưng cuối cùng thì nó vẫn sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến bất ngờ đó.
Tham khảo: Motherboard