Đón giao thừa ở nước ngoài, Yến nhớ nhất kỉ niệm vào phòng họp trước mỗi chuyến bay, cơ trưởng và tiếp viên trưởng cùng những sư tỷ đi trước sẽ lì xì cho mình đồng thời tạo cảm giác rất thoải mái, hẹn hò nhau sau chuyến bay sẽ cùng đi ăn uống để có không khí năm mới và vơi đi nỗi buồn xa quê.
Những cô gái làm việc trên bầu trời đón Giao thừa trên không
Dẫu có đi ngược về xuôi, bận rộn đến đâu thì mỗi dịp năm hết, Tết đến, hẳn ai cũng muốn dành thời gian ở bên người thân, bạn bè. Và bạn hãy nhìn ra những cung đường ở các TP lớn, cảnh tượng ở sân bay, ga tàu, bến xe khách mà xem… mỗi dịp cận Tết là nô nức hàng triệu người ùn ùn kéo nhau trở về nhà…
Vì thế, đây cũng là dịp tiếp viên hàng không phải làm việc vất vả hơn. Nhiều người công tác tại các hãng hàng không trong và ngoài nước đều nói rằng rất hiếm khi, họ có cơ hội trở về nhà dịp Tết, ngay cả khoảnh khắc giao thừa, họ cũng đang trên máy bay, ở độ cao 10.000-12.000m so với mặt đất.
Ngọc Trâm (quê Quảng Ninh, có kinh nghiệm 3 năm làm tiếp viên cho hãng hàng không Asiana Hàn Quốc và 2 năm làm việc tại VietNam Airlines) chia sẻ, 4-5 năm gắn bó với nghề, cô hầu như chỉ được ăn Tết với gia đình khi cả nhà đã dọn sạch cành đào, mâm ngũ quả và đi trên đường, không khí dịp lễ lớn nhất trong năm đã nguội hẳn.
Nữ tiếp viên Ngọc Trâm hiện tại đang làm việc cho hãng hàng không VietNam Airlines.
“Mình đã từng ừng ực nước mắt kéo vali đi London ngày 30 Tết từ sân bay quốc tế Incheon. Nhắn nhủ bố mẹ là con xin lỗi, bố nhắn lại là ‘con cứ về là Tết’ làm mình đứng trước cổng kiểm tra an ninh còn khóc nấc lên… Cứ tưởng những cô gái tiếp viên hàng không đi vòng quanh thế giới không biết nhớ nhà, tủi thân là gì nhưng lúc ấy mình đã nếm trải sâu sắc.
Và rồi chuyến bay ngược giờ làm mình đón giao thừa sớm tận 7h tại Anh vào ngày gió rét. May mắn tổ bay chung cảnh xa nhà đã cùng nhau có một chuyến bay hạnh phúc với những bức ảnh chụp chung và những lời chúc tụng nhau và từ hơn 200 hành khách”, Ngọc Trâm chia sẻ.
Ngọc Trâm chụp ảnh cùng bạn trong buổi tiệc chúc mừng năm mới của tổng công ty VNA.
Thanh Thủy (tên thường gọi Tina, tiếp viên hàng không hãng Korean Air (KE) Hàn Quốc) cũng chia sẻ, Tết Nguyên đán năm nay cô đón Tết trọn vẹn ở nước ngoài, 28 Âm lịch kéo vali đi đến mồng 3 Tết mới về.
“Tết năm ngoái, cả ngày 30 mình lơ lửng trên trời. May tối đáp tới Mỹ nên đêm giao thừa vẫn kịp gọi video về cho mẹ lúc sang canh để chúc mừng gia đình. Sau đó một mình đón năm mới bằng 1 gói mì tôm chanh. Mồng 1 Tết mình đi qua khu người Việt để mua bánh, ít dưa chua và đi chùa ở đó – nhằm vớt vát chút không khí Tết của người Việt ở… Mỹ. Kỉ niệm Tết Nguyên đán xa xứ của mình giản dị như vậy đó”, Tina vui vẻ chia sẻ.
Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN 1989, người Hà Nội) hiện đang làm việc cho hãng hàng không của Hàn Quốc.
Tina chia sẻ, càng vào dịp lễ, Tết, tiếp viên hàng không như cô càng bận rộn nhiều hơn.
Trong khi đó, Dương Hoàng Hải Yến (làm việc cho hãng Eva Air của Đài Loan) cho biết, càng gần Tết, lịch bay của tiếp viên càng dày đặc hơn.Việc không được ở cạnh gia đình người thân đón Tết là chuyện bình thường, ai cũng phải tập quen với điều đó.
Yến nhớ nhất kỉ niệm đón Tết trong Sài Gòn, chỉ có cô và một người bạn chung cảnh xa quê ăn Tết với nhau vì các bạn khác đều bay. Nghỉ Tết chưa nổi 1 ngày, sáng hôm sau, cô lại kéo vali đi làm, chẳng có thời gian về nhà. Có một năm, cô phải đón giao thừa trên máy bay – chuyến bay từ Mỹ về Đài Loan. Lúc đáp xuống mặt đất, trong đầu chỉ muốn kéo vali thật nhanh về nhà.
Hải Yến – tiếp viên làm việc cho hãng hàng không của Đài Loan.
3 năm làm tiếp viên, cô cũng dần quen với cảm giác đón Tết xa nhà. Nhưng gần Tết, nhìn thấy cảnh bà con Việt kiều, du học sinh háo hức bay về nước, Yến lại trào lên cảm xúc khó tả.
Xa quê mới thấy xúc động bởi tình đoàn kết của người Việt Nam
Từng làm việc cho hãng hàng không của Hàn Quốc, Ngọc Trâm và Tina đều rất ấn tượng bởi cách đón Tết Âm lịch của người dân nơi đây. Họ chú trọng mua sắm, đoàn tụ trong ngày chính rồi sau đó cùng bay đi các nước khác du lịch, tận hưởng kì nghỉ chứ không quá coi trọng chuyện tụ họp, ăn uống linh đình.
Ngọc Trâm chụp ảnh ở sân bay.
Công việc tiếp viên hàng không khiến bạn bè, đồng nghiệp khó trùng ngày nghỉ với nhau nhưng nếu cánh tiếp viên Việt Nam có một đêm ngủ lại ở Hàn Quốc, thế nào họ cũng rủ nhau ra ngoài ăn uống, chụp hình rất tình cảm, chia sẻ dự định năm mới của mỗi người, coi nhau như một đại gia đình.
Điều Trâm tâm đắc nhất là đón Tết xa quê, đồng nghiệp đi bay gặp nhau đều sẽ nói 1 câu “ăn tết vui vẻ, đi bay may mắn nhé”. Về tới khách sạn các tiếp viên Việt Nam sẽ rủ nhau qua phòng góp đồ ăn, thức uống rồi cùng nhau xem hài, xem phim hay facetime nói chuyện với người thân cho đỡ nhớ nhà hơn.
Tina và Hải Yến tình cờ gặp nhau khi cùng đáp xuống một khung giờ.
“Tết, sinh nhật, các ngày kỉ niệm quan trọng… vẫn lơ lửng trên trời là chuyện bình thường. Tiếp viên vốn không có ngày đặc biệt nên mình phải quen thôi. Ví dụ năm nay không đón Tết ở nhà nên mình phải tranh thủ bay về Việt Nam đoàn tụ với người thân sớm rồi lại đi bay”, Tina chia sẻ.
Trong khi đó, ở Đài Loan, Hải Yến cũng thường đón một cái Tết khá khác biệt so với hồi còn ở trong nước. Ngày Tết, bên cửa sổ luôn có tiếng pháo nổ. Hàng quán hầu hết đều đóng cửa, lượng người ra đường cũng ít hơn. Có năm Yến đi bay về đúng mùng 3 Tết, bụng đói meo mà chả có gì ăn ngoài các cửa hàng tiện lợi 7-11.
Yến tâm niệm, chỉ cần trở về nhà, với cô ngày nào cũng là Tết.
Đón giao thừa ở nước ngoài, Yến nhớ nhất kỉ niệm vào phòng họp trước mỗi chuyến bay, cơ trưởng và tiếp viên trưởng cùng những sư tỷ đi trước sẽ lì xì cho mình đồng thời tạo cảm giác rất thoải mái, hẹn hò nhau sau chuyến bay sẽ cùng đi ăn uống để có không khí năm mới và vơi đi nỗi buồn xa quê.
Về phía gia đình, cả Trâm, Yến và Tina đều tâm niệm, chỉ cần trở về nhà bên người thân thì ngày nào cũng là Tết. Hơn nữa, sau những dịp bay cao điểm như thế, tiếp viên sẽ được luân phiên nghỉ ngơi với những tấm vé máy bay được bán giá ưu đãi không tưởng để đi khắp tất cả các chặng bay hãng khai thác hoặc thậm chí cùng liên minh với các hãng nổi tiếng khác. Đó cũng chính là cách các cô gái trẻ làm việc trên không cân bằng lại cuộc sống của mình.