Thực trạng tiếng Anh của sinh viên và những chiếc bằng … đối phó

0
705

Sinh viên được học cả 4 kỹ năng gồm nghe, nói, đọc, viết song lúc đi thi, kiểm tra thì lại làm bài trên máy tính nên chỉ sử dụng kỹ năng đọc và viết là chủ yếu.


Đó là ý kiến của một số diễn giả, chuyên gia tại Hội thảo “Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất” do Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM tổ chức hôm qua (1/12).

Theo nhiều diễn giả, trước xu thế hội nhập, việc sử dụng lưu loát tiếng Anh trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay cả những cá nhân không làm các công việc liên quan đến giao tiếp quốc tế cũng có thể tiếp xúc với Tiếng Anh rất nhiều chẳng hạn như các trang xã hội như Facebook, Zalo, phim ảnh và các ứng dụng trên nền tảng di động,…. Chính vì vậy, việc học và làm chủ Tiếng Anh không chỉ trong công việc và chính trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi cá nhân.

Đánh giá về mặt bằng chung tiếng Anh của sinh viên, Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Hạnh, giảng viên Khoa Ngoại ngữ trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, dù sinh viên có tiến bộ trong khả năng ngoại ngữ song vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra và mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Theo bà Hạnh, sự cải thiện về kỹ năng của sinh viên thấy rõ nhờ nhiều yếu tố như điều kiện học tập, thời gian tiếp xúc với tiếng Anh được nhiều hơn, phấn đấu cũng rõ ràng, bản thân các trường cũng thay đổi chương trình để phong phú hơn…

Tuy nhiên, bà Hạnh vẫn thừa nhận có một phần đáng kể sinh viên vẫn mang nặng tâm lý học để lấy bằng, qua được kỳ thi, để có tín chỉ ra trường, theo kiểu đối phó chứ chưa thật sự học để có kiến thức đi làm.

Ngoài ra, cũng theo bà Hạnh việc đánh giá sinh viên vẫn còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, sinh viên trong quá trình học thì được học cả 4 kỹ năng gồm nghe, nói, đọc, viết song lúc đi thi, kiểm tra thì lại làm bài trên máy tính nên chỉ sử dụng kỹ năng đọc và viết là chủ yếu, điều này ít nhiều khiến sinh viên học lệch.

ThS. Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ (trực thuộc trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) nói điểm yếu nhất hiện nay của quá trình giảng dạy tiếng Anh ở hệ thống Việt Nam nói chung và đại học nói riêng chính là thiếu trầm trọng môi trường thực tiễn.

Ông Nghị cho rằng, đa phần học sinh, sinh viên vẫn phải , một loại ngoại ngữ quan trọng với giáo viên, giảng viên người Việt. Trong khi đó, môi trường lý tưởng nhất để rèn một ngoại ngữ chính là thường xuyên giao tiếp với người bản xứ. Bên cạnh đó, quy trình tổ chức thi cử, đánh giá tại các trường hiện nay vẫn đang gò sinh viên vào việc chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng khô khan, coi trọng kỹ năng đọc – viết mà lờ đi kỹ năng vô cùng cần thiết khi học bất cứ ngoại ngữ nào chính là nghe – nói.

“Suốt nhiều năm liền ở bậc phổ thông, do quen với nếp học tiếng Anh thụ động, đa phần sinh viên cảm thấy tự ti, thậm chí là sợ khi tiếp cận ngoại ngữ này ở bậc đại học. Lệch kỹ năng, thiếu môi trường giao tiếp, rất khó để sinh viên sử dụng tiếng Anh lưu loát sau khi tốt nghiệp”, ông Nghị nói.

Trước những bất cập trong công tác giảng dạy tiếng Anh hiện nay tại nhiều trường đại học, các đại biểu cho rằng muốn cải thiện tình hình phải có sự thay đổi toàn diện và thực chất từ giáo trình, cách dạy, cách tạo môi trường đến định hướng đầu ra cho sinh viên. Thay vì cứng nhắc với các kỳ thi hay yêu cầu bằng được một số chứng chỉ, theo nhiều đại biểu, các trường cần coi trọng việc đánh giá năng lực thực tế của sinh viên thể hiện thông qua mức độ lưu loát khi giao tiếp , cần nhấn mạnh vào kỹ năng nghe – nói thay vì tập trung vào kỹ năng đọc – viết như hiện nay.

BÌNH LUẬN