Game show là cơn lốc kéo tất cả mọi thứ theo nó, kể cả thị hiếu người xem hiện nay.
NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết: “Tôi biết có những người chuyên đi thi thuê, được nhà sản xuất ký hợp đồng và trả tiền đàng hoàng để gây chú ý cho game show…”
Á hậu Trịnh Kim Chi.
Từ vài năm nay, game show “mọc lên như nấm sau mưa” trên hầu khắp các đài truyền hình và gần như chiếm vị trí độc tôn trong các loại hình giải trí.
Game show cũng dẫn tới một hệ luỵ tất yếu là “cuộc chiến” thầm lặng giữa các nghệ sĩ. Những nghệ sĩ được mời làm giám khảo game show với thu nhập khủng thì vui vẻ, người bị game show làm cho “chết lên chết xuống” thì đau khổ, phản đối…
NSƯT Trịnh Kim Chi: Tôi không phủ nhận game show là một cơ hội cho người trẻ tỏa sáng
Game show là một vấn đề nhức nhối của showbiz Việt hiện nay, nó oanh tạc nghệ thuật một cách không thương tiếc. Giữa game show và các môn nghệ thuật khác không phải là một cuộc chiến nữa mà nó đang chiếm vị trí độc tôn trên truyền hình.
Không chỉ sân khấu mà cả phim truyền hình, ca nhạc cũng bị chết vì game show. Live show ca nhạc hầu như phải cho vé rất nhiều vì không bán được. Phòng trà cũng không tồn tại nổi.
Cách đây ít ngày tôi có tham gia cuộc họp giữa nghệ sĩ với lãnh đạo thành phố thì thấy rất nhiều nghệ sĩ bức xúc. Nếu cứ để game show phát triển thì các môn nghệ thuật khác sẽ chết. Game show là cơn lốc kéo tất cả mọi thứ theo nó, kể cả thị hiếu người xem hiện nay.
Thời sân khấu vàng son, khán giả rất chịu khó đến rạp để được thưởng thức nghệ thuật còn hiện nay game show biến khán giả xem theo cách giải trí.
Giờ khán giả tới sân khấu xem là phải vui, phải hài, nếu không đáp ứng được những yếu tố đó, họ sẽ không tới. Với sự ảnh hưởng khủng khiếp như thế thì game show thực sự rất đáng báo động.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận game show là một cơ hội cho người trẻ tỏa sáng. Học trò tôi cũng đi thi game show nhiều. Nhưng những bạn đạt giải sau một thời gian không ai nhớ tên rồi từ từ mờ nhạt và biến mất.
Sau đó lại có người khác đạt giải rồi cũng lại theo con đường ấy. Mỗi cuộc thi đều có một nhân tố mới nên những người trước sẽ bị lu mờ. Game show cũng đào thải một cách khắc nghiệt mà các em chưa nhận ra.
Game show có mặt hay cũng có mặt dở. Nó là cơ hội cho các bạn trẻ nhưng lại vô tình giết chết những người làm nghệ thuật chân chính. Ngay cả những bạn tham gia game show cũng bị ảo về nghề, về mình, tưởng là mình hay nhưng thực ra không phải.
Vì khi chương trình được phát sóng thì biên tập và nhà sản xuất đã cắt gọt, chỉnh sửa những chỗ chưa ổn. Các bạn là những người non nớt trong nghệ thuật nên lên sân khấu phải làm theo biên tập, theo bài bản của đạo diễn, cố tình tạo scandal để chương trình được biết đến.
Thậm chí có một lực lượng chuyên đi thi game show thuê, họ được nhà sản xuất ký hợp đồng và trả tiền đàng hoàng.
Họ là những hot girl, hot boy hoặc những cái tên gây bão mạng xã hội, được cộng đồng quan tâm. Chỉ cần xuất hiện 1, 2 số đầu rồi rớt, hoặc tạo scandal. Tất cả đều được sắp đặt hết.
Game show mang về lợi nhuận cao nên người người làm game show, nhà nhà làm game show. Nhưng cứ vậy thì không thể kiểm soát được. Game show nào càng nổi, nhãn hàng càng nhảy vô đầu tư nhiều, họ không tài trợ làm phim nữa.
NSƯT Công Ninh: Game show chỉ là trò chơi đừng nghĩ nó là cuộc thi quốc gia
Game show lợi hại lắm, nhờ nó mà nhiều tài năng trong quần chúng được phát hiện. Nếu không có game show thì không ai biết Phương Mỹ Chi là ai và giờ này cô bé có trở thành ca sĩ hay không.
Hát đám cưới dù hay đến mấy cũng không thể thành ngôi sao, thành hiện tượng như vậy được. Game show tạo chi Phương Mỹ Chi thành một tên tuổi khó ai vượt qua.
Tất nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt. Game show cũng vậy. Nhưng chúng ta nên nghĩ game show là một trò chơi, không phải một cuộc thi quốc gia nên đòi hỏi sự chính xác là điều không thể.
Đã là trò chơi thì nó phải hút khách và có những thủ pháp riêng để hút không mà không cần quan trọng chuyện công bằng hay không.
Có những chuyện nhà sản xuất và ban giám khảo không cần công bằng để giữ khách thì đó là quyền của những người chi tiền và làm ra game show. Trò chơi thì thiên biến vạn hóa miễn sao hấp dẫn khách hàng là thành công.
Nhiều người cho rằng game show là nguyên nhân khiến sân khấu và phim truyền hình suy thoái. Nó là một trong những nguyên nhân chứ không phải duy nhất hay hoàn toàn.
Nhiều ông bầu bà bầu trách nghệ sĩ bỏ sân khấu để chạy theo game show làm giám khảo. Vậy họ hãy trả cát xê cao cho nghệ sĩ đi.
Một đêm diễn kịch dài họ chỉ được có 200.000 đến 1 triệu đồng trong khi một đêm game show gấp mấy chục lần con số đó, thì đương nhiên họ phải chọn chỗ cát xê cao.
Khi ngồi ghế giám khảo, nhận một mức lương như thế đương nhiên họ phải theo ý nhà sản xuất vì anh đã nhận lời làm chương trình. Đó là sự thỏa thuận. Giám khảo trong trường hợp này cũng chỉ là những người làm thuê.
Tất nhiên, game show cũng có thời, rồi một lúc nào đó nó sẽ suy thoái như sân khấu và phim truyền hình hiện nay. Lúc đó người ta sẽ phải chuyển sang một hình thức khác.
Game show nói cho cùng chỉ là một “món ăn”, có thích đến mấy thì tới một lúc nào đó, khách cũng sẽ ngán. Khi nào chán món này, họ sẽ phải cho khách hàng ăn món khác.
Theo Thời Đại