Những sinh vật có tuổi thọ lớn nhất trên thế giới

0
1514

Loài cỏ này có tên là Posidonia oceanica, sinh sản bằng cả hai phương pháp hữu tính và vô tính. Chúng có cả hoa và quả, quả của chúng nổi trên mặt nước và được gọi là ô-liu của biển.
Nếu như người lớn tuổi nhất thế giới hiện đang còn sống là cụ Violet Mosse-Brown với tuổi thọ 117 tuổi, thì dưới đây là những sinh vật khác có tuổi thọ kỷ lục mà thế giới từng chứng kiến.

Tê giác đen Fausta – 54 tuổi: Đây là chú tê giác đen sống lâu nhất thế giới, đang được chăm sóc tại khu Bảo tồn Ngorongoro, Tanzania, sau khi bị linh cẩu tấn công vào năm ngoái.

Cá sấu Muja – 80 tuổi: Đây là con vật già nhất trong sở thú Belgrade, Serbia, thậm chí là con cá sấu mõm ngắn Mỹ già nhất đang được nuôi nhốt trên thế giới. Nó đã sống sót qua một cuộc chiến tranh thế giới, ba lần đánh bom ở Belgrade và các cuộc chiến tranh Balkan trong những năm 1990.

Bò sát Henry – 120 tuổi: Đây là một chú tuatara, một loài bò sát cổ đại có họ với thằn lằn, chỉ sinh sống tại New Zealand. Tổ tiên của loài này xuất hiện trên Trái Đất từ trước cả khủng long và thậm chí còn sống sót sau khi chúng bị tuyệt chủng. Henry là con tuatara già nhất ở New Zealand, nhưng phải đến năm 111 tuổi nó mới có con.

Cụ rùa Jonathan – 184 tuổi: Cụ rùa này hiện đang sinh sống tại Saint Helena, một đảo nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, được công nhận là con vật sống trên cạn già nhất thế giới. Người ta ước tính cụ rùa này được nở ra từ năm 1832 và có khả năng sẽ sống qua hơn 200 tuổi hoặc lâu hơn thế nữa, dù hiện tại cụ đang gặp phải một số vấn đề về thị giác và khướu giác.

Cây nho già ở Slovenia – 400 tuổi: Cây nho này được trồng vào cuối thời Trung Cổ, ngay phía trước một ngôi nhà ở Maribor, Slovenia. Nó đã được Sách Kỷ lục Guinness công nhận là cây nho già nhất trên thế giới còn cho ra trái. Mỗi năm nó cho ra khoảng 34-54kg nho để làm rượu. Những chai rượu quý của nó cũng được dùng để tặng cho những người quyền cao chức trọng.

Bụi hoa hồng ở Đức – 1.000 tuổi: Nó có tên là Bụi hồng Hildesheim, hoặc Bụi hồng Nghìn năm, mọc tại một bức tường ở Nhà thờ Hildesheim, Đức, được Unesco liệt vào danh sách Di sản Thế giới vào năm 1985. Bụi hồng này cao 21m và có tán rộng 9m, được xem là cây hoa hồng già nhất thế giới. Nhà thờ Hildesheim từng bị ném bom vào năm 1945, nhưng rễ của cây hồng này vẫn còn sống và nó đã mọc lên tươi tốt trở lại sau đó.

Cây ô-liu làng Ano Vouves ở Hy Lạp – 4.000 tuổi: Câu ô-liu này nằm tại ngôi làng có tên Ano Vouves, trên hòn đảo Crete thuộc Hy Lạp. Vào năm 1997, nó được xem là tượng đài kỷ niệm thiên nhiên cần được bảo vệ. Cho đến tận ngày nay nó vẫn còn ra trái.

Cây thủy tùng ở Scotland – 5.000 tuổi: Cây thủy tùng này nằm trong một khu nghĩa địa ở ngôi làng Fortingall, vùng Perthshire, Scotland. Thông thường rất khó để xác định tuổi của những cây thủy tùng cổ đại vì vòng gỗ của chúng thường bị mục qua thời gian. Một cuộc tính toán vào năm 1769 xác định nó có tuổi đời 5.000 năm, nhưng gần đây người ta ước tính nó chỉ sống khoảng 2.000-3.000 năm.

Cây baobap Sunland ở Nam Phi – 6.000 tuổi: Cây baobap này mọc tại nông trại Sunland ở tỉnh Limpopo, Nam Phi. Gốc của nó lớn đến nỗi phải 40 người lớn ôm mới xuể. Các nhà khoa học nhận định tuổi đời của nó còn già hơn cả Kim tự tháp Giza ở Ai Cập. Nhưng vào tuần trước, một trong ba nhánh chính của nó đã bị gãy.

Bọt biển núi lửa khổng lồ ở Nam Cực – 15.000 tuổi: Những cục bọt biển khổng lồ này được tìm thấy tại các bãi đá ngầm ở Eo biển McMurdo, nam Cực. Các nhà khoa học cho biết do nhiệt độ lạnh của vùng biển này mà quá trình lão hóa của chúng bị chậm lại, khiến cho tuổi thọ của chúng ngày càng kéo dài. Chúng có thể cao đến 1m9 và rộng 1m3.

Cây Pando ở Utah – 80.000 tuổi: Pando không phải là một cái cây mà là một quần thể gồm hơn 40.000 cây dương lá rung phát triển từ một gốc cây dương lá rung đực sinh sống tại Rừng Quốc gia Fishlake, Utah từ 80.000 năm trước. Đây là sinh vật sống nặng nhất thế giới với khối lượng khoảng 6.600 tấn, trải dài trên một vùng rừng núi rộng hơn 428m2. Mỗi cây con sống khoảng 130 năm, sau khi nó chết đi, một cây mới sẽ mọc lên thay thế. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của hạn hán, dịch bệnh và côn trùng gây hại mà quần thể cây này đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Cỏ biển khổng lồ ở Quần đảo Baleares, Tây Ban Nha – 100.000 tuổi: Loài cỏ này có tên khoa học là Posidonia oceanica, sinh sản bằng cả hai phương pháp hữu tính và vô tính. Chúng có cả hoa và quả, quả của chúng nổi trên mặt nước và được gọi là ô-liu của biển. Chúng sống ở độ sâu từ 1-35m dưới mặt nước tùy theo độ sạch của nước và mọc lan ra một khu vực rộng đến 16.000km. Đây chính là sinh vật có tuổi đời lâu nhất thế giới, vượt qua mọi thử thách của thời gian.

(Ảnh: Internet)

BÌNH LUẬN