Người đang mệt mỏi sẽ có những biểu hiện như mắt rũ xuống, mái tóc lộn xộn, không tập trung, dễ nổi cáu… Nói với ai đó rằng trong họ có vẻ mệt mỏi chẳng khác nào muốn nói họ có tất cả những đặc điểm trên.
Hãng tư vấn TalentSmart đã kiểm tra trí thông minh cảm xúc (EQ) trên hơn một triệu người và phát hiện ra, nhận thức xã hội là một kỹ năng mà nhiều người trong chúng ta đang thiếu. Chúng ta thiếu nhận thức xã hội bởi chúng ta thường quá tập trung vào những gì mình muốn nói, mà quên nhìn nhận cảm xúc trên phương diện của đối phương.
Đây là một vấn đề quan trọng, bởi con người vô cùng phức tạp. Bạn không thể hy vọng hiểu được ai đó nếu không quan tâm đến suy nghĩ của họ.
Tuy nhiên, chỉ cần biết cách điều chỉnh một chút, bạn hoàn toàn có thể cải thiện mối quan hệ với người khác. Dưới đây là những cụm từ mà người thông minh sẽ không bao giờ sử dụng, cũng như một số cách thay thế, giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp ứng xử.
1. “Trông bạn có vẻ mệt mỏi”
Người đang mệt mỏi sẽ có những biểu hiện như mắt rũ xuống, mái tóc lộn xộn, không tập trung, dễ nổi cáu… Nói với ai đó rằng trong họ có vẻ mệt mỏi chẳng khác nào muốn nói họ có tất cả những đặc điểm trên.
Thay vào đó, hãy hỏi họ: “Mọi chuyện ổn chứ?” Phần lớn khi mọi người hỏi người khác có mệt mỏi không đều nhằm mục đích muốn giúp đỡ. Nhưng thay vì tự ý định đoạt tâm trạng của người khác, bạn nên đặt câu hỏi cho họ, giúp họ dễ dàng mở lòng chia sẻ hơn. Bằng cách này, họ sẽ thấy được bạn đang quan tâm chứ không phải thô lỗ.
2. “Bạn đã giảm cân nhiều đó!”
Lời nhận xét này thực chất là một lời khen. Tuy nhiên, đa số người nghe đều sẽ nghĩ bạn đang “nói móc” rằng họ từng mập.
Thay vào đó, hãy nói: “Trông bạn thật tuyệt!” Đây cũng là một lời khen mà không hề có ý so sánh trước đây họ như thế nào, chỉ đơn giản là một lời khen ngợi.
3. “Bạn quá tốt so với cô ấy”
Khi ai đó gặp rắc rối trong một mối quan hệ, lời an ủi là rất tốt. Nhưng câu nói này lại ngụ ý họ không có mắt nhìn người nên đã chọn nhầm người để yêu, để chơi.
Bạn có thể thay thế bằng câu: “Đó là mất mát của cô ấy”. Câu nói này vừa mang tính an ủi, vừa ngụ ý rằng họ rất tốt.
4. “Bạn luôn luôn…” hoặc “Bạn không bao giờ…”
Không ai luôn luôn hoặc không làm bất cứ việc gì. Những cụm từ mang nghĩa tuyệt đối như “luôn luôn”, “chẳng bao giờ” nếu đi kèm với nghĩa tích cực thì không có gì đáng nói, nhưng nếu đi kèm với nghĩa tiêu cực sẽ là một điều cực kỳ tồi tệ. Do vậy, đừng dùng những cụm từ này để quy chụp người khác nếu không muốn bị hiểu lầm.
Thay vào đó, hãy nói với họ rằng những hành động đó thực sự quan trọng, bằng cách như: “Có vẻ bạn làm điều này rất thường xuyên…” hoặc “Vì bạn làm điều này khá thường xuyên nên…” sẽ khiến họ dễ chấp nhận hơn và muốn tiếp thu ý kiến của bạn hơn.
5. “Bạn trông rất tuyệt ở tuổi này”
Cụm từ “ở tuổi này” thường khá khiếm nhã, bởi không ai thích họ trông có vẻ tốt hơn những người cùng độ tuổi – những người có thể tình trạng sức khỏe không khả quan. Câu nói này dễ khiến đối phương nghĩ rằng bạn nói dối và họ thực sự không khỏe.
Do đó, bạn chỉ cần khen: “Trông bạn thật tuyệt”. Câu nói này đơn giản mà lại phù hợp trong hầu hết trường hợp.
6. “Như tôi đã nói trước đây…”
Cụm từ này dễ bị hiểu lầm rằng bạn đang che giấu chuyện gì đó hoặc tự xem mình giỏi hơn đối phương.
Khi muốn nói lại điều gì đó một lần nữa, để giúp người nghe ghi nhớ, hãy truyền đạt thông tin một cách rõ ràng hơn, thú vị hơn.
7. “Chúc may mắn”
Câu chúc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại dễ khiến họ hiểu heo ý khác là họ không giỏi nên phải cần may mắn để thành công.
Hãy nói câu: “Tôi biết bạn có đủ điều kiện thuận lợi”. Câu này sẽ mang tính động viên nhiều hơn vì người nghe sẽ cảm thấy họ có đủ năng lực để thành công.
8. “Tùy bạn” hoặc “Sao cũng được”
Bạn có thể thờ ơ với câu hỏi nhưng đối phương thực sự muốn nghe ý kiến của bạn. Vì vậy, khi được hỏi ý kiến, thay vì nói những cụm từ trên, bạn hãy nói: “Tôi không chắc lắm nhưng chúng ta có thể xem xét…” Như vậy, bạn không cần đưa ra đáp án nào cụ thể cả, nhưng vẫn cho thấy sự quan tâm nhất định đến câu hỏi.
9. “Ít nhất tôi không bao giờ…”
Cụm từ này là một cách chuyển chú ý từ sai lầm ở hiện tại của bản thân sang sai lầm trong quá khứ của đối phương. Điều này không khiến bạn nhẹ tội hơn mà sẽ càng thêm dầu vào lửa.
Khi mắc lỗi, bạn nên nói: “Tôi xin lỗi”. Thừa nhận sai lầm là cách tốt nhất giúp cuộc thảo luận trở nên êm đẹp và hiệu quả hơn mà không khiến căng thẳng “leo thang”. Nhờ đó, bạn có thể tìm ra cách sửa chữa sai lầm.
Theo Khánh Hằng
Trí Thức Trẻ