Chẳng lẽ chỉ mình tôi thấy đây là điều vô duyên thôi hả các chị, các mẹ?
Thưa các anh chị,
Con gái lớn tôi năm nay vừa vào lớp 1, con gái thứ 2 mới vừa tròn năm. Từng ấy thời gian từ một bà mẹ vụng về nay đã thành thạo mọi thứ, tôi thực lòng biết ơn tất cả mọi người đã chỉ bảo, động viên và san sẻ. Tuy vậy, vẫn có những điều tôi buộc lòng phải nói ra để 2 chữ kém duyên từ người quen kẻ lạ không thể làm tổn thương con tôi được nữa.
A giống bố thế này nhất định là mẹ đẻ thuê rồi!
Ai đời đến thăm bà đẻ, bế cháu còn chưa ấm tay đã phấn khởi nhận định con giống bố, mẹ chắc chắn là phận đẻ thuê. Còn nếu con không giống bố thì hẳn là cháu cũng không được giống mẹ mà phải giống ông hàng xóm cơ!
Cảm ơn đã có lòng, cháu có giống ai thì vẫn là con vợ chồng tôi. Chúng tôi cảm thấy muốn có thêm con thì chúng tôi sinh, không thuê ai, cũng không cần ai thuê.
“Cún con” của bà, bà thơm cái cho chóng lớn nào!
Đến chơi nhà, chẳng biết thân sơ thế nào, các bà các cô cứ thế hôn lấy hôn để, nhéo má, tét mông vì… thích quá. Con các chị đến lớp, chúng thích nhau tát yêu một cái thì các chị làm ầm lên. Các chị ra đường bị ai đụng chạm là đã ăn lườm ăn nguýt cháy cả mặt. Vậy mà…
Bây giờ giả dụ chính anh chị nằm đấy, một ngày 20 lượt giương mắt nhìn cô nhéo một miếng, dì tát yêu một cái, bà thơm má, thơm trán, thơm mông nhưng không thể phản kháng. Mà nào có phải sạch sẽ gì, ai biết được trưa nay bác ăn bún đậu hay cơm cháy, cô ốm 2 tuần chẳng biết đã khỏi chưa…
Mẹ đẻ em bé là mày ra rìa đấy!
Không hiểu các bác người lớn nghĩ gì mà cứ gặp cháu lớn là 1 câu “Cháu bị ra rìa.”, 2 câu “Bố cháu có vợ hai.”, đến câu thứ 3 thì chắc chắn là “Sao cháu chẳng biết nhường em thế?”như một cách kiếm câu chuyện làm quà. Xin lỗi, quà này thì tôi xin phép không nhận. Cả đời người học còn chưa xong chữ nhường, thế mà hở ra lại bắt một đứa bé 6 tuổi đang bỡ ngỡ đón nhận phải hiểu, các chị có đồng ý với tôi không?
Nếu các bác đang bĩu môi cười khẩy bảo tôi làm quá thì xin thưa, không hề quá chút nào. Năm 2015, bé gái 7 tuổi người Trung Quốc đã nhân lúc mẹ đi vệ sinh, bế em ném từ tầng 8 xuống đất khiến bé tử vong. Ở Việt Nam, một bé gái 6 tuổi dùng dao đâm em trai sơ sinh đến chết. Tất cả chỉ vì nỗi sợ bị ra rìa chồng chất từng ngày trong những câu nói vô tâm của người lớn. “Mẹ có em nên không yêu con nữa. Con đã ném em xuống dưới kia rồi!”.
Người lớn ạ, khi lời nói đùa đánh đổi bằng cả mạng sống của con người thì đã không còn vui nữa.
Với tụi trẻ, không thiếu lời khen để khích lệ hoặc làm quen. Các bác có thể khen bé dễ thương, khéo tay, tốt bụng, có thể cùng bé hát múa, xếp đồ chơi. Tại sao nhất định phải khen con tôi đẹp trai, sát gái… giống bố, “hàng họ súng ống” đầy đủ. Nhất định phải khen con gái tôi đẹp như hoa hậu, sau này khối anh theo, làm bố mẹ… nở mày nở mặt? Gia đình tôi không lấy việc con gái có nhiều người theo đuổi làm tiêu chí để tự hào. Cũng không cổ súy cho lối nghĩ con gái thì phải “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”.
Nói thì lại bảo làm quá, chứ tôi biết thừa lý lẽ của các anh chị. Rằng thì là bao đời nay vẫn bế ẵm hôn hít, có sao đâu? Trẻ con hờn nhanh quên nhanh, sao phải xoắn? Chắc gì đã vì vài lời bâng quơ mà “biến” thành như vậy? Thế thì anh chị đã nhầm, nhầm to. Trẻ em là lứa nhạy cảm nhất trên đời, não chúng có tính “thấm”. Một là học hỏi rất nhanh, hai là ngấm tổn thương cũng rất nhanh. Tâm hồn non nớt của chúng chưa thể phân định đâu là đùa, đâu là thật. 1 người nói là bâng quơ, nhưng 10 người nói, 100 người nói trong suốt những năm tháng đầu đời thì không còn là vu vơ nữa.
Người lớn ạ, bạn có dám khẳng định mình chưa bao giờ hành động như trên? Hay là vì quen quá rồi nên không còn cảm nhận gì nữa?
Cứ bảo xã hội vận động quyền trẻ em ở đẩu ở đâu, riêng tôi, tôi thấy tụi trẻ nước mình thiệt thòi hơn cả. Áp lực học hành, ganh đua, thi cử, ngoại hình, tiền bạc, thử hỏi mấy đứa được hồn nhiên sống như chúng mong muốn?
Đã thế về đến nhà, ra ngoài ngõ, bước đến hẻm, lạc vào chợ cũng có thể chuốc thêm dăm ba cái định kiến vào người.
Người lớn ạ, xin hãy ngưng vô duyên!