“Có những thời điểm cứ suy nghĩ mãi hay là mình đã lựa chọn sai con đường, mình có nhầm không? Người ngoài hoài nghi mình đã đành mà ngay cả bản thân cũng hoài nghi chính mình…”
“Có những thời điểm cứ suy nghĩ mãi hay là mình đã lựa chọn sai con đường, mình có nhầm không? Người ngoài hoài nghi mình đã đành mà ngay cả bản thân cũng hoài nghi chính mình…”, Trần Thị Quỳnh, nhà sáng lập kiêm điều hành CTCP Đầu tư Quốc tế La Vita tâm sự.
Chúng tôi gặp Hoa hậu thể thao Trần Thị Quỳnh – người đã từng gọi vốn trên Shark Tank mùa 1 vào một buổi trưa nắng gắt của Sài Gòn. Mặc dù rất bận rộn với việc kinh doanh, nữ CEO này vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về con đường, cái duyên và cái nghiệp đến với nghề kinh doanh bánh mì Tây Âu vốn đang được ưa chuộng trên thị trường.
Cái duyên kinh doanh của Trần Thị Quỳnh bắt đầu đến vào thời điểm cô 28 tuổi, với suy nghĩ: “Bây giờ phải tìm kiếm một con đường đi riêng. Nếu cứ liên tục làm thuê thì mãi mãi chỉ trở thành người công chức và mỗi năm chỉ có thể thăng tiến lên một chút. Còn trẻ nên luôn muốn sự bứt phá”.
Kể từ thời điểm đó, cô Hoa hậu xinh đẹp bắt đầu lao vào thử rất nhiều công việc khác nhau, từ học quản lý mầm non, thiết kế thời trang, mở cửa hàng nước giải khát, bán phở. “Lúc đó giống như chuột bạch vậy. Cứ lao đầu vào đâu đó để kiểm chứng xem là bản thân đang muốn đi tìm kiếm cái gì? Hợp với cái nào?”, Quỳnh kể.
Tuy vậy, sự tò mò với những lĩnh vực mình thử nghiệm chỉ diễn ra trong thời gian khá ngắn, chừng 1-1,5 năm.
“Giai đoạn đó, mình không làm gì cả, chỉ duy nhất là đi tìm kiếm câu hỏi đó thôi. Mình gặp áp lực khá lớn từ gia đình, người thân. Ai cũng giục phải đi tìm cái gì đó làm cho ổn định. Nhưng ngay thời điểm đi tìm con đường riêng cho mình thì không thể giãi bày với ai được. Không thể nói với mọi người là mình đi học thử, chỉ biết âm ầm làm thôi”, Quỳnh kể lại.
ột ngày đẹp trời, có một người bạn thân rủ Quỳnh tới xem một công ty về làm bánh. Họ đang muốn bán lại công ty để về nước ngoài. Về nhà, các thành viên trong nhóm bàn nhau rồi nung nấu ý định mua lại công ty bánh này. Tuy vậy, nhóm Quỳnh không mua được vì họ bán cho đối tác nước ngoài khác chỉ chênh mức giá Quỳnh đưa ra 5.000 USD.
“Mãi sau đó, mình mới biết lý do họ không chọn mình không phải vì giá thấp hơn mà bởi mình là “người đẹp””, Quỳnh cười nói. Theo Quỳnh, ông chủ quán muốn tìm người tiếp quản mới phải là người lăn xả thực sự. Mình là người đẹp nên ngay lập tức họ phủ nhận, quy kết là sẽ không cố gắng, mình dạo chơi, vừa làm vừa chơi…
Sau vụ mua bán không thành công, Quỳnh bắt đầu học hỏi được nhiều thứ về kinh doanh và nuôi khát khao, ước mơ đi học làm bánh.
Quỳnh bắt đầu giấu toàn bộ gia đình, âm thầm đi học làm thợ bánh. Nếu nói ra chắc chắn sẽ bị gia đình phản đối dữ dội vì không muốn Quỳnh lãng phí vào những chuyện vô bổ. Nhưng vì thuộc nhóm tính cách kiến tạo, muốn làm điều gì đó bứt phá cho bản thân nên ngay cả việc đi học làm bánh Quỳnh cũng không thể giải thích cho ai.
Vừa làm MC dẫn cho các chương trình, mình vừa tranh thủ đi học làm bánh. Mình bắt đầu tìm kiếm đầu bếp tốt nhất để học, một trò một thầy”, Quỳnh chia sẻ.
Ngày đó, Quỳnh đi xe máy đi học rất xa, từ nhà đến chỗ học 23 cây số. Đi vào những giờ giảng viên yêu cầu, về giữa trưa nắng. Kể ra để thấy, hành trình theo đổi nghiệp làm bánh và được như ngày hôm nay không phải bỗng dưng mà có. “Lúc học, thầy giáo vẽ cho mình một cây sơ đồ về làm bếp: Bếp trưởng, bếp chính, bộ máy cần bao nhiêu người, trả lương ra sao, máy móc đầu tư như thế nào…nghe xong, choáng quá không muốn mở công ty nữa vì nó quá nhiều khâu, không biết bắt đầu từ đâu”, Quỳnh cười nhớ lại.
Bên cạnh học từ thầy, cô gái trẻ này còn lên youtube, các diễn đàn làm bánh để tự học những kiến thức căn bản. Có những đêm sợ phát ra tiếng ồn, Quỳnh phải chùm chăn thật kín, vặn âm thanh rất nhỏ sợ mọi người biết, mắt dán chặt vào điện thoại để xem clip làm bánh. Thậm chí, xem đến 3-4h mờ cả mắt đi nhưng vẫn rất thích thú.
“Mình chỉ sợ một điều, khi nói ra dự định thì người khác sẽ vùi dập ước mơ của mình, nói không lo đi làm mà suốt ngày hão huyền bày trò. Giấu cũng là cách không muốn mọi người nói ra, nói vào khiến mình nhụt chí. Lúc nào trọn trịa rồi sẽ nói ra”, Trần Thị Quỳnh chia sẻ.
“Đó là một hành trình dài cô đơn mà nếu hôm nay kể ra, nhớ lại, Quỳnh có thể bật khóc ngay”, Trần Thị Quỳnh nhớ lại.
Tháng 7/2014, Công ty La Vita Bakery chính thức khai trương. “Ai cũng ngạc nhiên vì không thấy Quỳnh nói gì đến kế hoạch làm bánh mà bỗng dưng khai trương cửa hàng bánh. Mọi người đến khai trương rất đông. Nhưng họ vỗ vai mình và nói: Con đường này khó khăn đó, đồng chí cố gắng nhé. Lúc đó, mình cảm nhận được là trong sự động viên của mọi người thì có cả sự hoài nghi đấy”, Quỳnh giãi bày.
Ngay sau khai trương, việc kinh doanh bánh đã có dấu hiệu báo động đỏ. Những ngày đầu làm rất nhiều bánh thơm phức, bày hết lên kệ, trang trí bắt mắt nhưng lại không có khách ghé mua. Mỗi ngày làm ra 100 cái bánh thì phải cắt bỏ đi 90 cái vì ế.
Có những ngày thậm chí không có một vị khách nào ghé cửa hàng. Làm bánh ra mà không có khách thì chỉ có nước đóng tiệm. Trong khi nhân viên cứ làm, điện nước vẫn tiêu thụ, bánh không chất bảo quản nên nhanh hư, đồ lên bình thường nhưng không bán được. Bánh phải mang đi cắt và hủy rất nhiều. “Lúc đó, rất tiếc. Tiếc tiền, tiếc công sức đủ thứ hết. Vì tiếc nên mình cắt bánh để sấy khô. Khi nhân viên bán hàng về hết rồi, còn lại mình và 1 người đồng sáng lập (làm kỹ thuật bánh), cắt bánh xong phơi rất nhiều lên mặt bàn. Thực ra hành động đó không hiểu để làm gì hết. Đơn giản chỉ vì tiếc nên làm thôi, bởi không ai muốn cầm một đống bánh để vứt đi cả”.
“Cắt xong rồi cũng không biết là để làm gì nữa. Lúc đó, nhìn đống bánh, mỗi người quay đi một hướng rồi khóc. Khóc mà không dám để thằng kia thấy. Thời điểm đó, mình suy nghĩ hay đã lựa chọn sai con đường rồi, có đang đi nhầm đường không?. Người ngoài hoài nghi mình đã đành mà mình còn hoài nghi chính bản thân mình cơ”, CEO La Vita Bakery chia sẻ.
Đó là những ngày cô đơn khủng khiếp. Thời điểm khủng khiếp đó kéo dài khoảng 1,5 tháng. Trần Thị Quỳnh phải dùng tiền cá nhân để tiếp tục nuôi sống nó và kiên trì làm bánh mỗi ngày. “Ngày nào cũng diễn ra tương tự, không có khách và bánh phải cắt bỏ đi. Cảm giác nặng nề, bất lực ghê gớm. Lúc đó, mình tưởng tưởng ra đủ thứ, nào là nếu không qua nổi 3 tháng thì chỉ có nước đóng cửa công ty, hay là mình đã chọn sai con đường?”, Quỳnh nói.
Đến tháng 9/2014, niềm vui mới thực sự trở lại với La Vita khi lượng khách hàng đến mua bánh ngày càng đông. Từ chỗ doanh thu vài trăm ngàn đồng/ngày tăng lên 7-8 triệu đồng/ngày. Sau này, không chỉ bán bánh mì Âu cho người nước ngoài mà đã bán được cho cả Việt Nam.
Năm 2017, Quỳnh đã mang La Vita Bakery – đứa con sức lực và tinh thần đến với Shark Tank Việt Nam, mong muốn tiệm bánh xinh xắn có thêm sự dìu dắt, định hướng thật sự tốt nhằm lan toả rộng hơn, xa hơn những tinh túy ẩm thực bánh Âu đến với quý khách hàng muôn phương. Kết thúc thương vụ, người đẹp được Shark Phú tuyên bố sẽ rót 3 tỷ đồng đổi lấy 40% cổ phần, kèm điều kiện nếu thất bại Quỳnh phải về làm cho Sunhouse.
Trong quá trình Due Diligence, La Vita Bakery đã quyết định từ chối đầu tư mở rộng như ý định ban đầu đến với Shark Tank, quay trở lại với chính mình và một hành trình tuy cũ mà mới. Theo cách Quỳnh chia sẻ, đây là sự quay lại đầy quyến rũ nhưng không kém gian nan chỉ với mục đích duy nhất là trung thành và không ngừng chinh phục khách hàng cũ, biến cái tốt thành tốt nhất.
Thống kê vào tháng 9/2018, gần 2.000 lượt mua lẻ. Sỉ thì có 10 siêu thị, nhà hàng, quận 2 các quận khác. Doanh thu mang về, thời điểm cao nhất trong ngày có thể đạt 30 triệu đồng/ngày (cả bán sỉ và lẻ). Nếu tính trung bình thì đạt từ 15 -17 triệu đồng/ngày. Một năm doanh thu mang về gần 4 tỉ đồng.
“Có thời điểm công ty rơi vào giai đoạn cung không đủ đáp ứng cầu. Khách kéo đến mua bánh nhưng hết sạch, tăng ca cũng không đủ đáp ứng”, CEO La Vita chia sẻ.
Theo cô gái trẻ này, nhiều người hay dùng từ đam mê để nói về con đường mình theo đuổi nhưng thực chất, tinh thần của người khởi nghiệp thì khát vọng phải thật lớn, lớn hơn đam mê thì mới thành công được. Có rất nhiều người khởi nghiệp nói đam mê nhưng là đam mê chết yểu. Đam mê chỉ là sở thích, thích thú với nó, muốn làm nó nhưng nếu không đủ lý trí và sự kiên trì thì khó đi đến hết con đường.
“Có rất nhiều người đam mê kinh doanh và có tài chính nhưng khi làm không được như ý muốn họ có thể bỏ qua. Họ nghĩ rằng, mình không quá thiếu tiền đến mức phải lao đầu vào những cản trở mà không có đường ra. Ngược lại, những người có đam mê nhưng không có tài chính mạnh, đôi khi họ lại nghĩ khác. Trong họ lại luôn có khát vọng đổi đời. Họ nghĩ sự nhiệp nuôi sống mình và gia đình nên phải ráng thêm chút nữa. Khát vọng này tác động đến ý chí, tâm huyết của họ cao hơn rất nhiều hai chữ “đam mê”. Mình nghĩ, không nên lạm dung đam mê nhiều quá. Vắt óc suy nghĩ, hành động tìm kiếm 1 kết quả đó mới là cái nên làm”, CEO La Vita Bakery chia sẻ.
“Từ một đứa trẻ được bố mẹ nuôi nấng, bao bọc, yếu ớt. 4 năm thể thao là ngần ấy năm rèn luyện sức luyện nội tâm, lý trí mãnh liệt. Giống như kiểu, sau này dù làm việc gì cũng không dễ dàng từ bỏ vì nếu từ bỏ, mình thua cuộc là mình tự xấu hổ với chính bản thân vậy. Vì thế, Quỳnh luôn cảm ơn những khó khăn ban đầu, trả giá rất nhiều để đổi lại có được ngày hôm nay”, CEO Hoa hậu Trần Thị Quỳnh chia sẻ thêm.