Vì thế nếu bạn đọc đến cuối bài báo này mà không một lần nhìn vào điện thoại hay bị phân tâm bởi một cái gì đó, thì bạn đã thành công với khả năng tập trung của mình rồi đấy.
Vào năm 2000, số liệu cho thấy một người bình thường có thể tập trung vào một việc mà không bị phân tâm trong 12 giây. Theo một nghiên cứu thực hiện sau đó 13 năm, khoảng thời gian này chỉ còn lại 8 giây mà thôi.
Hết lần này đến lần khác, người ta nói rằng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do sử dụng các thiết bị công nghệ – những màn hình với ánh sáng xanh, và do chúng ta có quá nhiều lựa chọn về hình thức giải trí nên dễ dàng bị phân tâm và không thể tập trung vào bất kỳ việc gì quá lâu được.
Rốt cuộc thì hóa ra công nghệ có thể không phải là gốc rễ của vấn đề, ngay cả khi nó là một nhân tố góp phần.
Nhà tâm lý học Caroline Beaton tin rằng “vấn đề về khả năng chú ý của chúng ta vừa do thiếu tập trung, vừa do tập trung vào những thứ không cần thiết”, và điều này xảy ra là bởi xã hội đã tiến hóa và các ưu tiên của con người cũng thay đổi.
Quay lại những thời điểm tiền văn minh, tổ tiên của chúng ta buộc phải chú ý đến 2 thứ: thông tin quan trọng giúp họ tồn tại (nghĩa là về sự an toàn, thức ăn và thời tiết) và những thứ có khả năng di chuyển (nghĩa là dã thú và các nguồn thức ăn).
Nhưng giờ đây chúng ta quá thừa mứa với thông tin, đến nỗi những gì từng đáng chú ý thì giờ đây trở nên quá phổ biến và hiếm khi đe dọa mạng sống con người: “Tập trung vào những gì lạ lẫm và di chuyển nhanh không còn hữu ích cho sự tồn tại và thành công của chúng ta nữa”, Beaton giải thích.
Tuy nhiên, chính vì những bản năng đã ăn sâu của chúng ta, nên sự chú ý của mỗi người vẫn còn bị thu hút bởi những thứ mới lạ.
Và vấn đề là đối với hầu hết mọi người, những công việc họ làm hàng ngày lại không mới, không sôi nổi hoặc lý thú – bạn chỉ cần nghĩ về một bảng tính hay một tài liệu trống trơn là đủ hiểu.
Beaton tin rằng đây là một điều đáng lo với xã hội loài người nói chung: “Nếu không có khả năng chịu đựng những công việc đôi khi trôi qua chậm chạp và buồn tẻ, thì máy móc sẽ nhanh chóng đánh bại và lấy hết việc làm của chúng ta”.
Vì thế, bất chấp sự thật là chúng ta biết cứ cắm đầu vào Facebook là không hiệu quả hoặc không thỏa mãn, nhưng bản năng sâu thẳm lại mách bảo chúng ta rằng đó là những gì chúng ta nên làm, và thường thì cái mong ước trong tiềm thức đó lại giành phần thắng.
Rắc rối ở đây, khi xã hội tiếp tục đánh giá cao những gì có thể đạt được bằng cách ngồi im một chỗ và tập trung vào mỗi một việc mà thôi, thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục tự làm nảy sinh nhiều mối phân tâm cho chính mình, vì chúng luôn hấp dẫn bản năng của chúng ta.
“Mỗi năm, lại có nhiều điều mới mẻ xuất hiện, cuộc chiến sẽ trở nên khốc liệt hơn”, Beaton viết trên Forbes, và bổ sung rằng “con người sẽ phải chiến đấu với chính sự say mê những cái mới lạ liên tục và mãi mãi”.
Vì thế nếu bạn đọc đến cuối bài báo này mà không một lần nhìn vào điện thoại hay bị phân tâm bởi một cái gì đó, thì bạn đã thành công với khả năng tập trung của mình rồi đấy.