Thử hình dung, nếu bạn không kiểm soát được tiền của chính bạn, nó sẽ bắt đầu kiểm soát bạn và kịch bản đó thường kết thúc không có hậu. Hãy giải quyết dứt điểm vấn đề “Kiếm được tiền mà không kiểm soát được tiền” bằng 12 cách sau đây để việc mua nhà trước tuổi 30 không còn là xa vời, viển vông nữa.
Tiền không phải là tất cả nhưng tiền là phương tiện của cuộc sống và có vai trò vô cùng quan trọng. Điều này không có nghĩa bạn xem nhẹ vai trò của gia đình, sức khỏe và các mối quan hệ nhưng bạn nên nghiêm túc nghĩ đến việc kiểm soát tài chính.
Nếu bạn kiểm soát được tiền bạc của mình, bạn sẽ có cuộc sống tự do. Rõ nhất là việc bạn hoàn toàn có thể tự tay mua được một căn chung cư nhỏ bằng chính tiền bạn kiếm ra, chứ không phải dựa vào hỗ trợ của cha mẹ. Việc này nghe có vẻ phi lý, nhưng thực tế không sai chút nào, miễn sao bạn tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc rút hầu bao của mình.
Thử hình dung, nếu bạn không kiểm soát được tiền của chính bạn, nó sẽ bắt đầu kiểm soát bạn và kịch bản đó thường kết thúc không có hậu. Hãy giải quyết dứt điểm vấn đề “Kiếm được tiền mà không kiểm soát được tiền” bằng 12 cách sau đây để việc mua nhà trước tuổi 30 không còn là xa vời, viển vông nữa.
1. Liệt kê các khoản chi tiêu và lập ngân sách cho nó
Nếu bạn không biết mình chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng thì bạn không thể theo dõi và kiểm soát được tài chính của bạn. Để tạo ra ngân sách chi tiêu mỗi tháng, bạn chỉ cần liệt kê các khoản cần phải chi và số tiền cần thiết cho các khoản đó.
2. Cắt giảm tối đa các khoản chi bằng cách: “Đừng mua thứ bạn không cần”
“Nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi thứ bạn muốn”. Hãy suy nghĩ về những gì bạn thực sự cần trong cuộc sống. Một khi những nhu cầu cơ bản của bạn đã được đáp ứng, hãy cố gắng đừng mua thêm những thứ khác, ít nhất là cho đến khi bạn đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra.
3. Nấu ăn tại nhà, tại sao không?
Với sự phát triển nhanh đến “chóng mặt” của dịch vụ giao hàng hiện nay, việc có một suất đồ ăn nhanh như ý thật sự quá dễ dàng. Nhưng trên thực tế, việc ăn uống ở ngoài hoặc gọi đồ ăn nhanh thường đắt gấp 2,5 lần so với việc bạn tự nấu ở nhà. Do đó, nếu bạn muốn tiết kiệm tiền, hãy nghĩ đến việc tự nấu nướng. Bạn sẽ vừa có những bữa ăn lành mạnh và vừa tiết kiệm được số tiền không nhỏ mỗi năm.
4. Đừng để bản thân bạn rơi vào cảnh “Nợ như chúa chổm”
Những khoản vay để tiêu dùng là nguyên nhân làm cho cuộc sống của bạn trở nên rất mệt mỏi. Nhất là khi, những khoản nợ đó vượt ra khỏi khả năng chi trả của chính bạn. Bạn sẽ không thể kiếm soát được tài chính nếu suốt ngày bị “bao vây” bởi những khoản nợ và bị “thúc ép” bởi những kì hạn thanh toán.
5. Rút một khoản tiền mặt cố định để chi tiêu trong tháng
Bạn có thể kiểm soát chi tiêu của mình bằng cách rút ra một khoản tiền mặt cố định để chi tiêu trong tháng đó. Điều này giúp bạn hình dung cụ thể về số tiền mình có và tránh tình trạng chi tiêu vượt quá số tiền được phép sử dụng.
6. Thách thức bản thân: “Sống mà không cần tiêu tiền trong 1 tuần”
Một tuần không tiêu tiền. Liệu bạn có sống được không? Tất nhiên, chúng ta vẫn cần tiền cho những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Nhưng ngoài những nhu cầu cơ bản đó ra, bạn vẫn hoàn toàn có thể sống được và sống rất tốt mà không tiêu tiền trong 1 tuần hay thậm chí là 1 tháng. Đây sẽ là một cách thực hành hoàn hảo giúp bạn thấy được những gì thực sự cần trong cuộc sống.
7. Tận dụng các ưu đãi, khuyến mại khi có thể
Hãy tận dụng lợi thế tiết kiệm từ các ưu đãi, khuyến mại của các cửa hàng, siêu thị hay bất kỳ đơn vị nào cung cấp sản phẩm, dich vụ cho bạn. Dù ít hay nhiều thì những phiếu giảm giá, chương trình ưu đãi, khuyến mại của họ cũng giúp bạn tiết kiệm được tiền. Tuy nhiên, bạn nên nhớ: Chỉ quan tâm đến các ưu đãi, khuyến mai của những sản phẩm bạn thực sự cần.
8. Mở tài khoản tiết kiệm
Rất nhiều người đã đi làm vài năm nhưng không có nổi cho mình một khoản tiền tiết kiệm. Để có được bức tranh tài chính rõ ràng, bạn cần phải biết mình cần tiết kiệm bao nhiêu. Hãy dứt khoát loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết để có được một khoản tiết kiệm cho mình dù là ít hay nhiều. Hãy nghĩ về tương lai thay vì chỉ nghĩ đến chi tiêu và hưởng thụ ở hiện tại.
9. Đa dạng hóa nguồn thu nhập của bạn
Đa dạng hóa nguồn thu nhập là một trong những điều rất quan trọng để kiểm soát tài chính tốt hơn. Sẽ rất rủi ro nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất. Bạn có thể tìm hiểu thêm những việc có thể làm vào thời gian rảnh và phát triển thêm các nguồn thu nhập dựa trên năng lực của chính bạn.
10. Thiết lập kế hoạch tài chính
Hiện nay, rất nhiều người chỉ biết nhận lương và chi tiêu tháng này qua tháng khác. Nếu muốn kiểm soát tốt tài chính của chính mình, bạn cần có ý tưởng rõ ràng về cách sử dụng tiền của mình. Hãy lập kế hoạch cho những mục tiêu tài chính của bạn trong tương lai.
11. Tìm hiểu về đầu tư để mở rộng tài chính của bạn
Nhắc đến đầu tư, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự “mạo hiểm” và “rủi ro”. Thực chất, chính suy nghĩ này đã khiến bạn mất đi rất nhiều cơ hội mở rộng tài chính. Bạn sẽ không cảm thấy bị đe dọa bởi thế giới kinh doanh và đầu tư nếu nghiên cứu kĩ càng và đầu tư tiền một cách khôn ngoan.
12. Đọc sách về tài chính
Kiến thức là sức mạnh. Do đó, hãy đoc thêm sách về tài chính để có thêm kiến thức, sự hiểu biết về lĩnh vực này. Viêc am hiểu về tài chính sẽ giúp bạn có những quyết định khôn ngoan và sáng suốt hơn với túi tiền của mình.