Chăm sóc con cái là trách nhiệm và niềm hạnh phúc của mỗi người phụ nữ. Dù vô tình hay cố ý thì những câu nói này cũng đủ làm tổn thương sâu sắc tới các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Không chỉ với người lạ mà ngay cả với chồng, người thân trong gia đình, đôi lúc các bà mẹ đang nuôi con nhỏ vẫn nghe thấy những lời như bóp nghẹt trái tim vốn đã yếu mềm của mình. Có lẽ chỉ những ai đã và đang trải qua cảnh nuôi con mọn mới thấm thía hơn ai hết nỗi vất vả, cực nhọc, những lo lắng, cô đơn, sự nhàm chán, bực bội… của người mẹ phải ngày đêm ở nhà trông nom, chăm bẵm đứa con bé bỏng của mình. Vậy nên không ít người cho rằng ở nhà trông con là sung sướng, nhàn hạ, là thảnh thơi, hạnh phúc hơn những người phải ra ngoài làm việc kiếm tiền.
Vậy nên những bà mẹ có con mọn thường đau xót lắm khi không ai hiểu những nỗi niềm thầm kín không biết nói ai nghe của mình. Các bố khi xem những hình ảnh này xong, hãy yêu thương mẹ hơn và chia sẻ nỗi vất vả nuôi con khôn lớn cùng mẹ nhé.
Vẫn biết nhan sắc luôn là mối quan tâm hàng đầu của chị em phụ nữ nhưng với người các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, họ rất khó có thể chăm chút cho bản thân mình. Vậy mà có người nỡ lòng nhận xét: “Chị mang bầu đứa nữa à, bụng to như mấy tháng rồi ấy nhỉ?” cũng đủ khiến tâm trạng họ thêm não nề.
Người đi làm cứ ngỡ ở nhà chăm con sẽ nhàn hạ, thảnh thơi lắm!
Người ta ví người mẹ ở nhà trông con chẳng khác nào “ba đầu sáu tay”, lúc thì bế ẵm, cho con ăn, ru con ngủ, lúc lại giặt giũ, nấu nướng….
Chỉ những ai đã làm mẹ sẽ biết đáp án đầy đủ nhất cho câu hỏi: “Lúc con ngủ sao không ngủ cùng con”, đó là: giặt giũ, dọn dẹp, là chế biến đồ ăn dặm, là tranh thủ ăn bát cơm còn đang dang dở…
Ở nhà chăm con đồng nghĩa với việc không làm ra tiền nên câu nói “Ở nhà chồng nuôi, sướng thế còn kêu ai” thực sự đã phủ nhận hy sinh của người mẹ.
Đôi khi con ốm cũng là cái cớ để người khác chỉ trích người mẹ ở nhà trông con
Không chỉ bị coi là ăn bám mà người phụ nữ đang nuôi con nhỏ còn bị xem là không biết chi tiêu.
Không gì xót xa hơn với người phụ nữ đang nuôi con nhỏ khi bị chồng so sánh “vợ người ta”, “vợ mình”…
Theo trí thức trẻ