Giới nhà giàu Ấn Độ: Đám cưới mời ca sĩ quốc tế, đưa dâu bằng phi cơ riêng

0
832

Soi vào những đám cưới “dát vàng” ở Ấn Độ để thấy sự xa hoa có lí lẽ của nó

Mới đây, tin tức một chuẩn bị tổ chức đám cưới 7 ngày ở khách sạn 5 sao Phú Quốc, thuê 2 máy bay chở họ hàng sang tham dự đã khiến dân tình xôn xao.

Nhưng ở Ấn Độ, chuyện này đã không còn quá lạ lùng. Người ta cứ mải nói về những “đám cưới thế kỉ”, trong khi riêng thập kỉ này ở Ấn Độ đã có nhiều đám cưới khiến dân chúng phát cuồng, truyền thông trong nước và quốc tế chú ý.


Tiệc độc thân sang chảnh của nữ đại gia Ấn Độ chuẩn bị cưới tại Phú Quốc.

Dù vậy vẫn còn khá nhiều thắc mắc để ngỏ: Biết là người giàu Ấn Độ chi tiền “khủng” cho đám cưới nhưng cụ thể là cho những việc gì và chúng có ý nghĩa như thế nào? Đài CNN lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, phần nào vén lên tấm màn bí mật. Ngay sau đây, mời bạn cùng “soi” vào những đám cưới được “dát vàng” ở Ấn Độ để thấy rằng sự xa hoa có lí lẽ riêng của nó. (Trên thực tế, khoảng một nửa số vàng bán ra ở nước này mỗi năm là dành cho lễ cưới).

và những siêu đám cưới

Ấn Độ hiếm có đối thủ về khoản tổ chức hôn lễ, hay còn gọi là những “siêu đám cưới”. Vài tháng trước, truyền thông phương Tây từng một phen choáng ngợp khi nàng Bollywood và chàng Hollywood kết duyên với nhau – cô dâu Priyanka Chopra với chú rể Nick Jonas. Cùng thời điểm đó còn có “đám cưới thế kỉ” được mệnh danh là đắt đỏ nhất hành tinh giữa Isha Ambani (con gái của người giàu nhất châu Á) và Anand Piramal (con trai của nhà tài phiệt ngành dược phẩm).


Cặp đôi đến từ 2 kinh đô điện ảnh lẫy lừng Đông Tây – Priyanka Chopra và Nick Jonas.


Hôn lễ “môn đăng hộ đối” giữa cô dâu Isha Ambani và chú rể Anand Piramal.

Nhờ dịp đặc biệt này, quan khách và cả công chúng được “rửa mắt” với những bộ cánh đắt đỏ, thức ăn chuẩn bị từ đầu bếp hàng đầu và địa điểm thành hôn là cung điện xa hoa lộng lẫy. Thậm chí 2 gia tộc Ambani và Piramal còn “thuê riêng” một buổi trình diễn của Beyoncé.

Hai đám cưới khoa trương liên tiếp diễn ra cuối năm ngoái đã góp số tiền lớn vào ngành công nghiệp tổ chức hôn lễ của Ấn Độ, ước tính đạt mức trung bình 40 – 50 tỷ USD, tăng vọt so với năm 2012 vào khoảng 25,5 tỷ USD.


Beyoncé biểu diễn trong hôn lễ nhà Ambani và Piramal.

Đám cưới thì ở đâu cũng tốn kém. Nhưng với Ấn Độ, số tiền bỏ ra không chỉ cho các giá trị vật chất – tinh thần của gia đình cô dâu chú rể, mà đó còn là cách để khẳng định quyền lực và địa vị.

Đây là nhận định của nhà xã hội học Parul Bhandari, thỉnh giảng tại ĐH Cambridge. Bà Bhandari bày tỏ: “Trong một số nền xã hội, đặc biệt là Ấn Độ, đám cưới không đơn giản khẳng định mối lương duyên, ước nguyện chung sống của 2 cá nhân mà nó còn gắn kết 2 gia đình, dòng họ, thậm chí là 2 thôn làng hay các nhóm cộng đồng lớn hơn… Đó là nghi thức chuyển giao đưa cô dâu bước sang trang khác của cuộc đời, với địa vị xã hội, tiềm lực kinh tế và chính trị mới. Điều đó đôi khi giống như bước chân vào hoàng tộc”.

“Hôn lễ giữa hai gia đình Piramal và Ambani chính là khuôn vàng thước ngọc của một siêu đám cưới ở Ấn Độ. Ngoài việc thể hiện đầy đủ các nghi lễ và truyền thống sắc nét của người Ấn, hôn lễ đắt đỏ còn là nơi phô diễn trọn vẹn quyền lực và giàu sang”.

Những điều này thể hiện rõ ở nơi tổ chức hôn lễ. Ví dụ như Hotel Rajasthan Palace, nơi diễn ra các siêu đám cưới.

Hotel Rajasthan Palace từng là hoàng cung và sẽ mãi là một hoàng cung được người Ấn tôn kính. Nhưng sau vài trăm năm, một phần diện tích ở đây trở thành khách sạn, và mới đây còn là nơi tổ chức đám cưới của nhà hào môn.


Cung điện nơi Priyanka Chopra và Nick Jonas thành hôn.

Nhà tổ chức đám cưới Bhavnesh Sawhney cho biết: “Cung điện Rajasthan từng là nơi tiến hành các nghi thức truyền thống thiêng liêng. Vậy nên, những đám cưới nào có diễm phúc tổ chức ở đây không những tận dụng được phông nền tuyệt đẹp của tổ hợp kiến trúc pháo đài – cung điện mà còn ngầm tôn vinh bản sắc văn hóa cho buổi lễ theo truyền thống người Ấn”.

Sau khi 2 hôn lễ rình rang được tổ chức ở các cung điện vào cuối năm ngoái, chuyên gia nhận định rằng những nơi này sẽ nhanh chóng được trang hoàng trở lại – bớt lộng lẫy hơn, chi phí ít tốn kém hơn nhưng với niềm tự hào và sùng kính không suy suyển. Tất cả điều đó đến từ tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng ở Ấn Độ.

Tầng lớp trung lưu đã nhanh chóng “bắt trend”
Không chỉ mới dốc tiền cho đám cưới. Ở Ấn Độ có 12 triệu đám cưới được tổ chức mỗi năm, và tầng lớp trung lưu đang mạnh tay “móc hầu bao”.

“Việc dốc cạn tài chính cho đám cưới có thể là do tham vọng muốn bước lên nấc thang cao hơn của địa vị. Càng long trọng, càng được thế gian kính trọng”, học giả Bhandari bày tỏ ý kiến.

Cũng theo bà, việc người Ấn trung lưu theo đuổi sự xa hoa chính là biểu hiện cho “chủ nghĩa tiêu dùng và sức ảnh hưởng của Bollywood đã lên ngôi”.


“Ở Ấn đám cưới càng long trọng, càng được thế gian kính trọng”

Tuy vậy, hiện giờ người ta chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng. Ông Priyanka Gupta – đại diện công ty tổ chức hôn lễ ở Bangalore cho biết: “Trước đây, khách hàng thường mong muốn có đến 1.000 quan khách tham dự lễ cưới. Nhưng bây giờ giảm xuống 200 đến 250 khách là vừa, chủ yếu là bạn bè người thân. Còn phần lớn chi phí sẽ tập trung cho địa điểm tổ chức, càng xa hoa càng tốt”.

Ông Gupta ước tính gia đình trung lưu có thể chi ra 400 USD cho mỗi khách mời 1 ngày (khoảng 9,3 triệu đồng). Hôn lễ ở Ấn Độ luôn bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp, kéo dài từ 2-10 ngày. Vậy riêng số tiền đãi khách có thể chạm ngưỡng hơn 500.000 USD (~12 tỷ đồng). Với những siêu đám cưới, chi phí cho mỗi khách mời có thể tốn kém đến 2.000 USD/ngày.


Với nhiều nghi thức phức tạp, đám cưới ở Ấn có thể diễn ra nhiều ngày.

“Đắt nhưng đáng”: suốt vài ngày của hôn lễ, quan khách sẽ “khắc cốt ghi tâm” hình ảnh cặp đôi bước qua ngọn lửa khoảng 7 lần theo nghi thức Hindu giáo; mỗi lần bước qua đại diện cho ước muốn về quyền lực, thịnh vượng, trí tuệ, sức khỏe, sự sinh sôi “con đàn cháu đống” và tình bạn. Giữa khung cảnh xa hoa đến choáng ngợp, ngọn lửa thiêng thắp lên trong lòng mọi quan khách những ấn tượng khó tả.

Đến khi hôn lễ khép lại, chú rể sẽ tung bột “sindoor” đỏ thắm lên mái tóc cô dâu, đeo cho nàng vòng cổ “magalsutra” – chính thức tuyên bố với toàn xã hội đây là người phụ nữ thuộc về mình. Và sau đám cưới, địa vị của họ cũng như gia đình họ sẽ thay đổi mãi mãi – tăng lên hay hạ xuống đều xét theo “mức độ thành công” của hôn lễ ấy.


Suốt vài ngày của hôn lễ, quan khách sẽ khắc cốt ghi tâm mức độ “chịu chi” của đám cưới.


…để rồi sau hôn lễ, địa vị của cô dâu chú rể và gia đình họ sẽ bước sang trang mới.

BÌNH LUẬN