Bạn có thể hiểu được sản phẩm mình làm ra nhưng lại thiếu kiến thức để có thể giới thiệu sản phẩm đó một cách tốt nhất với khách hàng tiềm năng. Điều này có thể khiến bạn tổn thương.
Rất nhiều người khi bắt đầu khởi nghiệp thường bị rơi vào những cái bẫy khá giống nhau. Những cái bẫy này có thể khiến quá trình phát triển của doanh nghiệp còn non nớt của bạn khựng lại hoặc tệ hơn, dừng hẳn công việc kinh doanh của bạn.
1. Đặt tên sai
Việc chọn một cái tên đúng có ý nghĩa tối quan trọng để giúp doanh nghiệp của bạn thành công. Đừng chọn một cái tên mà bạn chỉ cảm thấy nó ngộ nghĩnh, đáng yêu, tình cảm hay kỳ quặc.
Hãy nghĩ tới việc khi doanh nghiệp của bạn phát triển ở tầm quốc gia, lúc đó liệu bạn lại buộc phải đổi tên doanh nghiệp hay giữ lại được cái tên cũ.
Cái tên đó có dễ đọc và dễ nhớ? Cái tên đó có mô tả được doanh nghiệp của bạn hay lợi ích mà nó mang đến với người tiêu dùng/sử dụng dịch vụ?
2. Trang bị những thứ thực sự cần thiết
Trước khi kinh doanh, bạn sẽ cần tới các trang thiết bị phục vụ cho việc kinh doanh của mình, ví dụ như đồ nội thất, máy móc thiết bị, phần mềm, đồ điện tử…
Lên danh sách những thứ cần thiết nhất để mua khi khởi nghiệp, những thứ khác chưa cần có thể sắm sau
Nhưng đừng mua tất cả một lúc. Hãy mua những thứ cần thiết nhất, mà doanh nghiệp buộc phải có. Những thứ khác bạn có thể nâng cấp hoặc mua sau, khi doanh nghiệp của bạn làm ra tiền.
Hãy giữ lại vốn liếng để xây dựng doanh nghiệp, bạn cần tiền để xây dựng các mối quan hệ, làm marketing hay cho các khoản đầu tư tương lai.
3. Không có chiến lược tiếp thị
Nói đến xây dựng thương hiệu, hãy thuê những người chuyên nghiệp để thiết kế logo, xây dựng trang web, soạn thảo các tài liệu marketing.
Bạn có thể hiểu được sản phẩm mình làm ra nhưng lại thiếu kiến thức để có thể giới thiệu sản phẩm đó một cách tốt nhất với khách hàng tiềm năng. Điều này có thể khiến bạn tổn thương.
Trước khi bước vào thị trường, doanh nghiệp của bạn đã có chiến lược tiếp thị tập trung, có các tài liệu tiếp thị đạt đẳng cấp cao, điều này chắc chắn giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp của bạn ngay từ lần đầu giới thiệu tới khách hàng, hoặc đối tác.
4. Giam mình trong phòng
Để chuẩn bị khởi nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp làm việc đêm ngày và giam mình trong các bức tường. Đừng làm điều này!
Hãy tìm các chuyên gia để có được những lời khuyên và tư vấn hiệu quả.
Thay vào đó, hãy ra ngoài kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia mà mình quen biết. Liệu có tốt hơn không khi ngay trước thời điểm khởi sự, xung quanh bạn đã có các chuyên gia tài chính và những người chuyên nghiệp tài năng.
Hãy tham gia vào các nhóm làm việc (networking), các đội tình nguyện và các hoạt động liên quan khác để có thể nảy ra các ý tưởng mới tốt hơn cho công việc, kết nối với những người cùng chí hướng…
5. Tự định giá quá thấp
Hãy tính kỹ các chi phí mà bạn phải bỏ ra, xác định tổng thể chi phí xây dựng doanh nghiệp, trong đó có chi phí trang thiết bị, chi phí nhân lực, chi phí thuê đất/trụ sở/nhà máy/cửa hàng, các loại thuế, phí phải đóng và đủ các thứ chi phí khác nữa.
Hãy đảm bảo ngay ở thời kỳ đầu khởi nghiệp, bạn có khả năng chi trả tất cả các chi phí, tìm điểm hòa vốn và tính đến lúc doanh nghiệp có lãi.
Cũng vậy đối với việc tính mức giá cạnh tranh cho sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp, tham khảo mức chi phí của các sản phẩm/dịch vụ tương đương đã có trên thị trường.
Đừng mạo hiểm đi quá xa mức giá trung bình trên thị trường, dù là ở mức giá cạnh tranh thấp hay cạnh tranh cao. Hãy nhớ là càng cụ thể được thị trường ngách mà sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn hướng đến, càng chi tiết được khả năng cung ứng sản phẩm/dịch vụ thì mức giá của sản phẩm/dịch vụ mà bạn đưa ra càng được giá hơn.
6. Quá phân tâm vì mọi việc
Vào giai đoạn chuẩn bị cho khởi nghiệp, có phải bạn lúc nào cũng chăm chăm check mail, hay ngồi liền hàng giờ để lướt mạng? Việc bạn phân tâm sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian và cả lợi nhuận hơn bất cứ thứ gì khác.
Đừng quá phân tâm vì quá nhiều việc, hãy ưu tiên cho những việc ra ‘tiền tươi, thóc thật’.
Hãy xác định hoạt động nào của bạn sẽ tạo ra thu nhập (gặp khách hàng, kiếm các số liên lạc hay làm việc nhóm) và dành phần lớn thời gian của bạn cho chúng.
Đặt lịch làm việc chính thức và tuân thủ lịch làm việc này. Ưu tiên làm những việc tạo ra thu nhập vào mỗi buổi sáng, sau đó mới làm các việc nhà và thuê những người khác làm những việc còn lại.
Như vậy, trước ngày khởi nghiệp, hãy chắc chắn là bạn đã nghiên cứu kỹ thị trường, có các mối quan hệ với các chủ doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực mà doanh nghiệp của bạn hoạt động, thiết lập một ngân sách cần thiết cho mọi hoạt động của doanh nghiệp…
Chỉ khi đó, bạn mới có thể nghĩ tới ngày doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, và thỏa mãn với những gì mà doanh nghiệp của bạn làm ra.