“Tôi đã từng lái một chiếc Ferrari. Còn kiếm được tiền nhờ quảng cáo cho người bán hàng đó. Nhưng đó chả phải là mục đích kiếm tiền và sở thích của tôi”.
Theo doanh nhân này, tiết kiệm thêm tới 8,2 giờ/tuần và 426 giờ/năm để làm việc, còn hơn là sử dụng ô tô.
Là một chuyên gia marketing online, Neil Patel đã từng góp công vào sự phát triển vượt bậc của nhiều công ty lớn, trong đó có trang bán hàng nổi tiếng Amazon, hay hãng xe General Motors.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm và lí do thành công của mình với tờ Entrepreneur.
Trong đó việc không sử dụng ô tô, được ông chú trọng nhấn mạnh.
Xe ô tô chỉ là thứ hào nhoáng
Chủ nhân của những chiếc siêu xe Ferrari hay McLaren thì chắc chắn là những anh chàng…chưa cần nhìn đã biết “đẹp trai”.
Chỉ cần bước xuống khỏi một chiếc xe bóng loáng hạng sang, bạn chắc chắn sẽ “ngẩng cao đầu” mà bước đi. Không thể phủ nhận khi bạn sở hữu những chiếc xe xịn, đương nhiên sẽ được mọi người chú ý, đó là cảm giác rất tuyệt vời.
“Tôi đã từng lái một chiếc Ferrari. Còn kiếm được tiền nhờ quảng cáo cho người bán hàng đó. Nhưng đó chả phải là mục đích kiếm tiền và sở thích của tôi”.
Theo Patel chia sẻ, tất cả điều đó chỉ “phục vụ” vấn đề cảm giác.
Cụ thể là ở Việt Nam, chẳng cần đề cập đến những chiếc siêu xe, chỉ cần trông thấy một người bước xuống từ những chiếc ô tô bình thường, chắc hẳn bạn cũng cảm giác, nhận định rất khác về họ.
Dù vậy, hãy xác định và xem xét mọi khía cạnh khi mua một chiếc ô tô, từ chức năng đến khía cạnh thực tế, liệu chúng ta có thực sự cần thiết và phù hợp với nó chưa trước khi quyết định.
Hạn chế tối đa những sự xao lãng
Neil Patel đã chọn một cuộc sống cực kì đơn giản để thành công.
“Tôi không mua biệt thự, không mua xe, hầu như không tiêu tiền vào những thứ tốn chi phí lớn. Mặc những bộ đồ giống nhau ăn những món quen thuộc hằng ngày. Đó là cách tôi sắp xếp cuộc sống đơn giản của mình”.
Càng nhiều những vật chất cần phải để tâm, chúng ta càng thêm áp lực. Chúng ta sẽ chẳng thể dồn “toàn tâm toàn ý” vào những mối quan hệ gia đình bạn bè, người thân và công việc.
“Tôi có thể sử dụng Uber hoặc những phương tiện công cộng khác. Tại sao phải phí thời gian làm việc chỉ để chạy vòng quanh thành phố với chiếc xe của mình?”.
Chưa kể đến việc tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào sửa xe, bảo dưỡng định kì và hàng ngàn thứ khác khi phải sắm sửa một chiếc xe riêng.
Trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm thêm 8,2 giờ/tuần và 426 giờ/năm nếu không sử dụng ô tô.
Tương tự, một người sẽ làm việc khoảng 40 tiếng một tuần và 2080 giờ/năm.
Với một phép tính đơn giản, những người sở hữu ô tô riêng có thể có hiệu suất làm việc hơn 20% so với những người còn lại.
Đặc biệt là với những người làm kinh doanh, thời gian là vàng bạc. Họ luôn cảm thấy không đủ thời gian cho những công việc chỉ với 24 giờ 1 ngày. Đây có lẽ là một phương án khá hay để xem xét đấy!
Đôi khi xe hơi không mang lại giá trị cho dân kinh doanh?
Đương nhiên là dân kinh doanh không đòi hỏi cái gì cũng cần có “giá trị” với họ.
Nhưng việc sở hữu, sử dụng xe ô tô lại hoàn toàn khác. Cần quá nhiều sự tập trung và thời gian cho những việc như đổ xăng, sửa xe, tìm bãi đậu xe hay đơn giản là kẹt xe ở đường phố đông đúc.
“Sau khi sử dụng xe một thời gian để đi làm, tôi quyết định đưa xe của mình cho một người bạn, đổi lại anh ấy sẽ chở tôi đi mỗi khi tôi cần. Tôi không còn phải lo lắng và mất thời gian cho những việc chăm sóc xe nữa. Tôi đã có một tài xế Uber còn trước khi Uber ra đời cơ”, Patel cười và kể về câu chuyện của anh với người bạn.
Ông cũng tâm sự về việc kinh doanh thành công của mình: “Thay vì tốn 20 phút lái xe mỗi ngày, tôi có thể soạn thảo 30 email cho khách hàng và cùng lúc trả lời 5 cuộc điện thoại. Sao tôi phải hi sinh tiền của mình cho một việc không mang lại lợi ích gì?”.
Đối với Neil Patel, việc sở hữu hay sử dụng xe là điều hoàn toàn không cần thiết.
Điều cần thiết hơn cả với những người làm kinh doanh là năng lượng và đam mê công việc. Thay vì tiêu tốn vào những chiếc ô tô để “lấy tiếng”, chúng ta nên xem xét sử dụng tiền cho những mục đích lớn hơn đó là gia đình, bạn bè, người thân.
Đó mới là điều quan trọng nhất!
Nguồn : cafebiz