Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền,
Mấy hôm trước em còn nghe người ta cãi nhau ỏm tỏi trên mạng về chuyện có nên bỏ Tết ta, chỉ ăn Tết tây để đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước, không lỡ làm lỡ nhịp giao thương với thế giới và không làm trì trệ nhịp sống của cả nước. Khoan hẵng nói đến ý kiến đó đúng hay sai, em thấy có nhiều người lên tiếng ủng hộ cho ý kiến này, còn lấy những đất nước phát triển và có nền văn hóa tương đồng với chúng ta trong khu vực ra chứng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quả thực Nhật Bản đã bỏ ăn Tết cổ truyền vì lý do kinh tế như nhiều người đã dẫn chứng. Song hiện tại người Nhật đang cảm thấy ân hận đến “đứt gan đứt ruột” vì quyết định này của họ và nỗ lực phục hồi lại Tết cổ truyền. Trong một lần trả lời phỏng vấn cho một tờ báo Việt, công sứ Nhật Bản là ông Hideo Suzuki đã nói rằng:
“Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó.Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai?”.
Đây là một vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì.
Bên cạnh đó, con người chỉ có sức mạnh khi họ đoàn kết và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng để đoàn kết mọi người. Đây là lý do nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục lễ hội đón năm mới cổ truyền, với mong muốn giúp làm tăng sức mạnh cộng đồng”.
Bỏ Tết cổ truyền, Việt Nam sẽ đi theo “vết xe đổ” của Nhật Bản. Nguồn: Internet
Lời nói rất thấm thía của vị công sứ Nhật này là một lời cảnh tỉnh cho người Việt chúng ta. Sự đánh đổi văn hóa để lấy kinh tế bao giờ cũng mang lại những hệ quả tai hại, tất nhiên đó không phải là những hệ quả nhãn tiền, có thể nhìn thấy ngay trước mắt mà là hệ quả về lâu dài gây ra những tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Người Nhật thấu hiểu điều này hơn chúng ta vì họ đã trả giá cho sự đánh đổi này.
Nhật Bản quả thực là một đất nước hùng mạnh, sự hùng mạnh của họ đến từ nhiều sự hi sinh, của các cá nhân và cả cộng đồng. Họ hi sinh cả những giá trị về mặt tinh thần, việc bỏ Tết cổ truyền là một ví dụ. Người Nhật đã bãi bỏ việc ăn Tết cổ truyền từ thời Minh Trị, chỉ ăn Tết dương lịch mặc dù Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và có sử dụng lịch âm. Điều này đã mang lại những thay đổi tích cực cho nền kinh tế Nhật Bản. Nhờ việc thay đổi này mà chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm được tiền trả lương tháng 13 cho công chức và giảm bớt ngày nghỉ, tăng sản lượng quốc gia.
Thế nhưng hệ quả để lại cũng tai hại vô cùng, như lời vị công sứ kia đã thừa nhận. Vì không còn ăn Tết cổ truyền nữa, người Nhật không có cảm giác về sự thay đổi của một năm cũ sang một năm mới. Họ cũng ít cảm nhận được sự gắn kết với gia đình và cộng đồng. Sự đánh đổi nhiều giá trị văn hóa để lấy giá trị kinh tế khiến cho đời sống tinh thần của nhiều người Nhật rơi vào trạng thái “chai sạn” và nghèo nàn. Chính vì thế mà người Nhật luôn lao đầu vào công việc, lấy đó làm mục đích sống của mình. Đất nước của họ phát triển nhưng họ không hề hạnh phúc. Vì thế, hãy nhìn vào giá trị đích thực của Tết cổ truyền như là một dịp để nối kết gia đình và cộng đồng, hãy nhìn vào sự ân hận của người Nhật để không đi vào vết xe đổ của họ.
Nguồn lady 9