Theo Scott, việc này nghe có vẻ phức tạp nhưng lại rất rốt cho Google. Vì nhờ có quy trình sử dụng ‘packet’ như thế nên “có rất ít chuyện bất công trong việc thăng chức”.
Lãnh đạo tại Google cho dù muốn cũng không thể nào thăng chức cho nhân viên dưới quyền, họ thậm chí còn chẳng thể tuyển dụng thêm người mới cho nhóm của mình. Tất cả đều phụ thuộc vào một thứ mang tên packet.
Làm một quản lý ở Google hơi khác một chút so với ở những nơi khác. Theo Kim Scott – tác giả của cuốn sách ‘Radical Candor: Be a Kickass Boss Without Losing Your Humanity’, thì lý do là vì mọi quyết định ở công ty này được đưa ra dựa vào sự nhất trí của mọi người.
Scott đã từng lãnh đạo bộ phận Adsense và YouTube ở Google. Và trong một cuộc phỏng vấn ở Hội nghị Qualtrics Insight Summit gần đây, Scott đã cung cấp một chút thông tin về việc nắm giữ cương vị quản lý ở Google thì như thế nào.
“Về cơ bản, Google tước bỏ gần như mọi quyền lực và quyền kiểm soát mà một quản lý có được ở các công ty khác”, bà giải thích. “Nếu bạn là quản lý ở Google, bạn không được đơn phương lựa chọn người mình muốn tuyển dụng hoặc sa thải. Bạn không được chọn điểm số đánh giá cho từng người, yếu tố quyết định số tiền thưởng mà họ nhận được”.
Vậy những quyết định này được đưa ra như thế nào? Theo Scott, “một nhóm người sẽ phỏng vấn một ứng viên và viết một bản đánh giá nhỏ gọi là ‘packet’, đưa ra ý kiến của mình và cho biết có nên tuyển dụng người này hay không”. Nhóm người tiến hành phỏng vấn này sẽ gồm cả quản lý, nhân viên và đồng nghiệp tương lai của ứng viên. Bản thân Scott cũng được phỏng vấn bởi một số người sẽ làm việc chung với cô nếu được tuyển dụng.
Khi quán trình phỏng vấn kết thúc, các ‘packet’ sẽ được chuyển đến một ủy ban. “Giám đốc nhân sự không được quyết định tuyển dụng ứng viên”, Scott cho biết. “Họ có thể cố gắng để đưa một ứng viên vào đội của mình, nhưng người đó có quyền chọn làm cho một đội khác”.
Các quản lý ở Google cũng không thể ngăn cản bất kỳ ai luân chuyển sang một bộ phận khác trong nội bộ công ty. Trên thực tế, điều này cũng xảy ra với Scott. “Khi gia nhập Google. Tôi có 5 cấp dưới. Trong tuần đầu tiên, 3 người trong số đó đã quyết định nhận việc khác ở Google”.
Các quản lý thậm chí còn có ít quyền lực hơn trong việc thăng chức cho các nhân viên. “Đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật, chuyện này rất thú vị”, Scott chia sẻ. “Một nhân viên sẽ giơ tay lên và nói, ‘Tôi đã sẵn sàng để được thăng chức’. Quản lý có thể đưa ra lời khuyên, nhưng ngay cả khi người quản lý nói ‘Tôi nghĩ bạn chưa sẵn sàng đâu’ thì người kia vẫn có thể nhận được các packet đánh giá. Việc được thăng chức sẽ khó hơn nếu không có sự giúp đỡ của người quản lý, nhưng bạn vẫn có thể thành công”.
Hoặc nếu người quản lý chấp thuận việc thăng chức, họ có thể giúp nhân viên chuẩn bị một packet hoặc thu thập lời tiến cử từ những người khác ủng hộ cho việc thăng chức. “Packet đó cũng được gửi tới một ủy ban”, Scott nói. “Người quản lý của nhân viên kia không được nằm trong ủy ban, và ủy ban này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng”.
Theo Scott, việc này nghe có vẻ phức tạp nhưng lại rất rốt cho Google. Vì nhờ có quy trình sử dụng ‘packet’ như thế nên “có rất ít chuyện bất công trong việc thăng chức”.
Không những thế, quan hệ công việc trong toàn công ty cũng trở nên tốt hơn. “Để trở thành một quản lý hiệu quả, bạn cần phải có các mối quan hệ tốt”, bà nói. “Loại bỏ quyền lực đơn phương của các quản lý giúp cho các mối quan hệ tốt tồn tại được. Không gì tệ hơn cho một mối quan hệ bằng sự bất cân xứng về quyền lực”.
Có thể phương thức này sẽ không có tác dụng với mọi công ty và mọi đối tượng nhân viên. Nhưng có một bài học ở đây dành cho mọi nhân viên quản lý. Đó là: Càng nhiều quyết định được đồng thuận, thì các mối quan hệ càng trở nên tốt hơn, và các nhân viên càng trở nên gắn kết với nhau hơn.