Ngoài ra, cuốn sách cũng là một thông điệp sâu sắc về đói nghèo, về khoảng cách giàu nghèo tại các nơi trên thế giới. Một cách diễn đạt đơn giản, không dài dòng nhưng chứa đựng đầy hàm ý và khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Nếu muốn phản ánh thực trạng ranh giới giàu và nghèo thì cách đơn giản nhất là nhìn vào nơi những đứa trẻ đang sống. Và James Mollison đã thể hiện điều đó một cách rõ nét trong bộ ảnh “Những đứa trẻ sẽ ngủ ở đâu?” được thực hiện trong suốt hành trình của mình.
Những bức hình về nơi ở của trẻ em trên khắp thế giới là một thông điệp bằng hình ảnh mang tính nhân văn mạnh mẽ về một sự bất bình đẳng trong xã hội.
James Mollison sinh ra ở Kenya, lớn lên ở Anh và học nhiếp ảnh tại Venice. Anh đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới để thực hiện dự án ảnh này trong vòng 3 năm.
“Tôi hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thực tế cuộc sống của những đứa trẻ đang sống trong những hoàn cảnh khác nhau trên thế giới. Dự án này là một cơ hội để phản ánh về những bất bình đẳng còn tồn tại , và để chúng ta nhận ra mình đã quá may mắn được sống trong một môi trường tốt đẹp đến nhường nào.”, Mollison nói.
Dự án là một cuốn sách gồm những bức ảnh về nơi mà lũ trẻ được nâng niu những giấc mơ hồn nhiên của chúng. Nơi mà những “thiên thần của giới trần gian” được say sưa chìm trong những điều đáng yêu của cuộc sống. Cuốn sách được thiết kế một cách đơn giản, thú vị và hoàn toàn dễ hiểu ngay cả với những đứa trẻ tầm 9 -13 tuổi.
Ngoài ra, cuốn sách cũng là một thông điệp sâu sắc về đói nghèo, về khoảng cách giàu nghèo tại các nơi trên thế giới. Một cách diễn đạt đơn giản, không dài dòng nhưng chứa đựng đầy hàm ý và khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Mời bạn cùng chiêm ngưỡng một số hình ảnh trong cuốn sách của James:
1. Jyoti, 14 tuổi, Makwanpur, Nepal.
Jyoti đã bỏ học khi tuổi còn rất nhỏ để làm lụng nuôi sống gia đình, nhưng em đã bị đối xử tồi tệ nên đã phải bỏ trốn và hiện đang sống cùng với một trong hai chị em của mình ở một vùng nông thôn Nepal. Ở đây Jyoti làm việc trên đồng ruộng và cả gia đình phải ngủ trên tấm thảm trải trực tiếp trên nền đất, bên cạnh một đống lửa để nấu ăn và sưởi ấm.
2. Bé Indira, 7 tuổi, Kathmandu, Nepal.
Cô bé sống cùng với cha mẹ và anh chị của mình. Mặc dù cũng được đi học, nhưng cô bé 7 tuổi này đã phải làm việc ở một mỏ đá hoa cương từ khi lên 3. Ngôi nhà ọp ẹp của cô bé chỉ có một phòng duy nhất, một chiếc giường và một tấm nệm.
3. Bé Bilal, 6 tuổi, Bờ Tây vùng Wadi Abu Hindi, Palestine.
Gia đình cậu bé là người Ả Rập du cư. Họ sống trong một căn lều bên cạnh khu định cư của Israel. Bilal không được đi học và công việc hằng ngày mà cậu bé làm hằng ngày là chăm sóc 15 con dê của gia đình.
4. Bé Ahkohxet, 8 tuổi, đến từ Amazonia, Brazil.
Phòng ngủ của cô bé được so sánh như một căn phòng ký túc xá và vô cùng “tiện lợi” bởi dây treo quần áo được mắc ngay đầu giường.
5. Bé Alex, 9 tuổi, Rio de Janeiro, Brazil.
Không được đi học, Alex dành cả ngày của mình để đi ăn xin trên đường phố và cậu có thể ngủ ở bất kỳ chỗ nào có thể đặt lưng được vào ban đêm – một băng ghế dự bị, một chiếc ghế sofa cũ hoặc thậm chí là vỉa hè.
6. Bé Bikram, 9 tuổi, Nepal
Bé cũng phải sống trong một nơi tối tăm và ẩm thấp, không chút ánh sáng như cô bé Indira ở trên. Và đáng buồn hơn, cậu bé còn không có lấy chiếc giường, chỉ có một tấm nệm trải dưới nền đất ẩm.
7. Bé Tzvika, 9 tuổi, Beitar Illita, Bờ Đông.
Cậu bé may mắn có một căn phòng nhỏ và gọn gàng với xanh dương là tông màu chủ đạo.
8. Bé Douha, 10 tuổi, Hebron, Bờ Tây.
Bé Douha sống cùng cha mẹ và 11 anh chị em trong một trại tị nạn của người Palestine ở Hebron.
9. Bé Joey, 11 tuổi, Kentucky, Mỹ.
Bé Joey thường đi theo cha vào những cuộc săn trong rừng từ khi còn rất nhỏ. Mới 11 tuổi nhưng Joey đã sở hữu hai khẩu súng ngắn và một cây cung chữ thập. Có lẽ vì sở thích đặc biệt này mà căn phòng của cậu bé cũng được trang trí theo một phong cách rất lạ.
10. Phòng của Jaime (9 tuổi) tại New York, Mỹ.
11. Bé Lamine, 12 tuổi, làng Bounkiling, Cộng hòa Senegal.
Nơi cậu bé ngủ mỗi tối là một góc nhỏ trong nhà. “Giường” của Lamine chỉ là một tấm phản kê trên vài viên gạch lớn. Bàn học của cậu bé cũng chỉ được đóng từ mảnh gỗ thô sơ. Hằng ngày, cậu bé đều phải dậy từ 6 giờ sáng để đi làm nương rẫy.
12. Bé Prena, 14 tuổi, Kathumandu, Nepal.
Prena dù còn nhỏ nhưng đã phải làm việc tới 13 tiếng. Và mỗi tháng, cô bé kiếm được khoảng 6,5$ (khoảng 140.00 VNĐ). Cô bé chỉ được đi học 3 buổi mỗi tuần và mong ước một ngày mình sẽ được làm bác sĩ. Chỗ ngủ của cô bé là một căn phòng nhỏ xíu, cửa có song sắt, trông xa như một nhà tù vậy.
13. Bé Anonymous, 9 tuổi, Bờ Biển Ngà.
Cậu bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ và là người tị nạn từ cuộc chiến ở Liberia. Cậu bé này đi học ở nơi dành cho con em của cựu binh lính và sống trong một căn lều bê-tông cùng với vài người bạn cùng lớp.
14. Bé Kara (4 tuổi) tại Tokyo, Nhật Bản
Phòng bé Kara (4 tuổi) tại Tokyo, Nhật Bản chất đầy những bộ váy xòe, những món đồ chơi xa xỉ. Mẹ bé Kara tiêu tốn 1.000 USD mỗi tháng để chăm lo căn phòng cho con gái.
15. Bé Nantio, 15 tuổi, Lisamis, Kenya.
Nantio là thành viên của bộ tộc Rendille. Cô bé sống cùng với hai người anh và 2 người chị em gái trong một mái vòm trông giống như một túp lều được làm từ lông da súc và các loại nhựa. Căn lều hầu như không có chỗ để đứng thẳng và cũng giống với hầu hết những căn lều khác tại Lisamis, Kenya. Cô bé đã từng đi học vài năm trước nhưng đã quyết định bỏ học để hi vọng một ngày nào đó sẽ được một “moran” (chiến binh bộ tộc) lấy về làm vợ.
16. Bé Risa, 15 tuổi, Kyoto, Nhật Bản.
Bé Risa sống chung với 13 người phụ nữ khác trong một ngôi nhà trà ở Kyoto, Nhật Bản. Ở tuổi 15 đẹp như trăng rằm, nhưng cô bé đã phải làm “maiko” – một geisha tập sự. Cô bé phải nằm ngủ với năm phụ nữ khác trong một căn phòng mà vừa là một phòng ăn và vừa là phòng trà.
17. Bé Roathy, 8 tuổi, Phnom Penh, Campuchia.
Cậu bé này, thậm chí còn không có được một chỗ ngả lưng tử tế, không giường, không chăn nệm. “Nhà” của Roathy là một bãi rác bẩn thỉu ở ngoại ô Phnom Penh. Cậu bé phải nằm ở tấm ván kê trên vài chiếc lốp xe cũ nát. Vào 6 giờ sáng hàng ngày, cậu bé cùng với hàng trăm trẻ em khác được tắm và ăn sáng tại một trung tâm từ thiện địa phương trước khi bắt đầu công việc hằng ngày – nhặt chai nhựa, vỏ lon và sau đó bán cho một xưởng tái chế địa phương. Bữa sáng, đôi khi là bữa ăn duy nhất mà cậu bé có được trong ngày.
18. Bé Jasmine, 4 tuổi, Kentucky, Mỹ.
Căn phòng của cô bé này thật quá khác biệt so với những gì chúng ta vừa nhìn thấy ở bức ảnh trên. Cô bé này mới có 4 tuổi nhưng đã được sống trong một căn phòng trang hoàng lộng lẫy như dành cho công chúa. Bạn có thể nhìn thấy dưới sàn nhà là rất nhiều vương miện, thứ mà cô bé đã giành được từ hơn 100 cuộc thi từ nhỏ. Jasmine mong muốn sau này sẽ trở thành một ngôi sao nhạc rock, vì vậy thời gian rảnh rỗi, cô bé chủ yếu dành để luyện tập.