Nhân Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả chân dung của 5 nữ tướng đã góp phần làm nên thành công của 5 trong 10 doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam theo xếp hạng mới của iPrice Group:
5 người phụ nữ trong danh sách dưới đây đều đã có những đóng góp vào sự phát triển của thương mại điện tử nước nhà. Theo xếp hạng mới nhất từ iPrice Group, họ cũng đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của 5/10 công ty đứng Top thương mại điện tử Việt.
Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong quý III/2018 theo xếp hạng mới được iPrice Group công bố.
iPrice Group – nền tảng so sánh giá và tìm kiếm sản phẩm tại 7 thị trường Đông Nam Á (gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, HongKong, Thái Lan, Philippines và Việt Nam) vừa công bố xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam quý III/2018. Theo đó, Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Thương mại điện tử Việt Nam lần lượt là: Shopee, Thế Giới Di Động, Lazada Vietnam, Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện Máy Xanh, Adayroi, CellphoneS và Vật giá.
Nhân Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả chân dung của 5 nữ tướng đã góp phần làm nên thành công của 5 trong 10 doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam theo xếp hạng mới của iPrice Group:
CEO Adayroi Vũ Hoàng Yến
Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Adayroi thuộc VinGroup Vũ Hoàng Yến (Nguồn ảnh: LinkedIn)
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế London – một ngôi trường danh tiếng nằm trong top 10 thế giới, Vũ Hoàng Yến sớm thể hiện được tố chất lãnh đạo khi đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại đây.
Sau khi ra trường, Vũ Hoàng Yến quyết định quay về Việt Nam và dành 5 năm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng tại Citibank. Trong giai đoạn này, chị liên tiếp đạt được nhiều thành công, bao gồm được chọn vào chương trình phát triển lãnh đạo Citibank và đặc biệt là khởi lập một dự án giúp tăng tỷ lệ chuyển khoản tự động tại ngân hàng này đến 470%.
Năm 2014, Vũ Hoàng Yến đã có một bước ngoặc sự nghiệp quan trọng đưa chị gia nhập vào ngành thương mại điện tử Việt Nam, khi chị đầu quân vào Zalora Vietnam trong vai trò Giám đốc Marketing, trở thành một trong những giám đốc trẻ nhất công ty này. Trong lĩnh vực mới mẻ này, Vũ Hoàng Yến vẫn tiếp tục thể hiện được tài năng vượt bậc khi các chiến lược marketing của chị đã góp phần đưa Zalora Vietnam tăng doanh thu đến gấp 28 lần.
Sau khi Zalora được mua lại vào năm 2016, Vũ Hoàng Yến đã có thời gian ngắn làm việc tại nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda trước khi đến với VinGroup – nơi chị gắn bó cho đến nay.
Vai trò hiện tại của Vũ Hoàng Yến tại VinGroup là Giám đốc điều hành của sàn thương mại điện tử Adayroi. Theo số liệu của iPrice Group thì sau thời gian 6 tháng Yến làm việc tại đây, Adayroi đã có những dấu hiệu tăng trưởng đáng khích lệ, đặc biệt về số lượng người truy cập. Với khả năng của mình, Vũ Hoàng Yến và Adayroi chắc chắn sẽ còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Phó Chủ tịch phụ trách Thương mại của Lazada Việt Nam Trương Hoài Anh
Phó Chủ tịch phụ trách Thương mại của sàn thương mại điện tử Lazada Vietnam (Nguồn ảnh: LinkedIn)
Với bề dày kinh nghiệm hơn 13 năm trong ngành bán lẻ, Trương Hoài Anh đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở các tập đoàn lớn và tại đâu, chị cũng để lại dấu ấn, gây ảnh hưởng đến xu hướng của toàn ngành.
Trước khi đến với Lazada Vietnam, Trương Hoài Anh đã có hơn một năm làm Giám đốc Ninomaxx, sau đó là 3 năm quản lý một số thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm lớn. Trong giai đoạn này, Hoài Anh gây tiếng vang trong làng thương mại điện tử với các chiến dịch quảng bá trực tuyến được đánh giá cao về tính sáng tạo và hiệu quả.
Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, chính Trương Hoài Anh là người đi tiên phong trong xu hướng tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội, một cách marketing mà đến nay gần như mọi nhãn hàng đều phải thực hiện theo.
Năm 2014, chị gia nhập VinGroup với vai trò Giám đốc điều hành của BFF LLC, công ty phân phối hơn 50 nhãn hàng quốc tế. Thành công nổi bật trong thời gian này của chị là khai trương Mango Mega Store, một mô hình bán lẻ hoàn toàn mới với tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế.
Từ tháng 12 năm ngoái, Trương Hoài Anh đến với Lazada Group để đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch quản lý ngành hàng thời trang và mỹ phẩm tại Việt Nam. Nói về thành công của mình, Trương Hoài Anh cho biết: “Tôi không đặt ra tiêu chí thành công cụ thể nào mà tôi tin rằng chỉ cần giữ sức làm việc bền bỉ, lòng tin vào những điều hướng thiện và giữ vững tinh thần lạc quan thì sẽ đạt được những gì mình muốn làm”.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp (Nguồn ảnh: FPT Retail)
Đến nay, “nữ tướng” Nguyễn Bạch Điệp đã có hơn 18 năm gắn bó với tập đoàn FPT. Trước khi dấn thân vào ngành bán lẻ, chị Nguyễn Bạch Điệp đã trải qua các vị trí lãnh đạo ở nhiều đơn vị của FPT như Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), Công ty công nghệ di động FPT, Công ty viễn thông FPT…
Đến năm 2011, sau khi dự án đang theo đuổi bị đóng cửa vào phút cuối do tập đoàn thay đổi định hướng, Nguyễn Bạch Điệp đã chọn đến với FPT Retail – một bộ phận rất nhỏ của FPT vào thời điểm đó. Kể lại với báo chí, chị cho biết: “Lúc đó tôi không quá quan tâm đến quy mô hay cấp bậc. Tôi chọn bán lẻ vì muốn áp dụng bài học quý giá, điểm hay sau một năm tích lũy được”.
Nhiệm vụ lớn đầu tiên của Nguyễn Bạch Điệp tại đơn vị mới là thuyết phục Hội đồng quản trị tập đoàn chấp thuận kế hoạch phát triển FPT Shop. FPT vốn có lịch sử không thành công với mảng bán lẻ trước đó nên chị đã gặp không ít nghi ngại. Nhưng cuối cùng, trong cuộc bỏ phiếu, FPT Retail đã đạt được tỷ lệ ủng hộ vừa suýt soát trên 50%.
Theo kế hoạch, dự tính FPT Retail sẽ có “ba năm đầu chịu lỗ” để phát triển mạng lưới. Nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện, thì sau hai năm “lỗ thấp hơn kế hoạch”, đến năm thứ ba FPT Retail đã có lãi trên 40 tỉ đồng.
Còn với riêng mảng thương mại điện tử, thương hiệu FPT Shop luôn đều đặn có mặt trong top 6 xếp hạng toàn quốc và Top 2 tính riêng ngành hàng đồ điện tử, theo số liệu thống kê của iPrice Group.
Nói về những thành công này, Bà Trịnh Hoa Giang – Phó tổng giám đốc FPT Retail nhận xét: “Ai từng làm cùng Bạch Điệp sẽ hiểu điều đó không có gì là quá khi khả năng làm việc của Bạch Điệp thật hiếm người bì kịp”. Đó cũng chính là lý do ở FPT, người ta hay gọi Nguyễn Bạch Điệp là “người đàn bà thép”.
Giám đốc Đối ngoại Sendo Nguyễn Thị Hạnh
.
Giám đốc Đối ngoại của sàn thương mại điện tử Sendo.vn Nguyễn Thị Hạnh (Nguồn ảnh: Diễn đàn khởi nghiệp online 2017)
Tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc – Đại học Ngoại thương, Nguyễn Thị Hạnh đã tiếp tục lấy thêm một bằng Master chuyên ngành Thương mại điện tử tại Úc trước khi quay về Việt Nam vào năm 2006.Bất cứ ai hay theo dõi thông tin về thương mại điện tử Việt Nam chắc hẳn cũng đều quen thuộc với chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Đối ngoại Sendo.vn.
Sử dụng nền tảng chuyên môn vững chắc đó, chị đã dành hơn 15 năm sự nghiệp của mình cho sự phát triển của nền thương mại điện tử nước nhà, trong đó có hơn 6 năm chị làm ở vị trí Trưởng Văn phòng đại diện TP.HCM cho Cục Thương mại điện tử và CNTT – VECITA thuộc Bộ Công Thương (nay là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – IDEA).
Sau khi rời VECITA, chị đến với Sendo.vn, ban đầu là nắm giữ vai trò quản lý mảng Dịch vụ Người bán, sau đó là mảng đối ngoại của Công ty Sen Đỏ (Sendo.vn).
Ở vị trí này, chị Nguyễn Thị Hạnh đã thường xuyên đóng vai trò là cầu nối giữa Sendo.vn với giới truyền thông. Trước các vấn đề hóc búa, chị vẫn luôn giữ được một phong cách trả lời thẳng thắn và đầy thuyết phục, góp phần tạo dựng một hình ảnh đáng tin cậy của Sendo.vn trong mắt đông đảo khách hàng.
Giám đốc phụ trách Đầu tư của Thegioididong Trang Lê
Giám đốc phụ trách Đầu tư của Thế Giới Di Động (Thegioididong.com) Trang Lê.
Khác với những cái tên khác xuất hiện trong danh sách, chị Trang Lê là một nhân vật không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Tuy vậy, những đóng góp thầm lặng của chị vào thành công của Thế Giới Di Động (Thegioididong.com) là rất đáng ghi nhận.
Cụ thể, mới đây, chính Trang Lê là người đảm bảo quá trình thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh của Thegioididong diễn ra trơn tru. Từ đó, giúp Thegioididong nắm giữ khoảng 37% thị phần lĩnh vực điện máy toàn quốc. Theo số liệu thống kê mới được iPrice Group công bố trong bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam , tính đến hết quý III/2018, Thegioididong xếp vị trí thứ 2 trong Top 50 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường thương mại điện tử nước nhà, chỉ xếp sau Shopee.
Trước khi đến với Thegioididong, Trang Lê đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và từng làm đến vị trí Quản lý cấp cao của EY – một tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ tài chính. Nói về chị trên trang mạng xã hội LinkedIn, các đồng nghiệp cũ đều có chung nhận xét là Trang Lê là người có khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả, đồng thời cũng là người không bao giờ chịu đầu hàng trước bất cứ trở ngại nào.