Trong trường hợp này, chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa lên tiếng. Bên cạnh đó, nếu chủ sở hữu quyền tác giả có tranh chấp với sinh viên này thì Tòa án giải quyết, Trường ĐHL TPHCM không có thẩm quyền.
Theo nhà trường, nguyên nhân do sinh viên này đã “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”. Việc đình chỉ 1 năm học đối với sinh viên của nhà trường gây nhiều ý kiến trái chiều.
Chia sẻ với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia đình – đoàn luật sư TP HCM đã có những chia sẻ trên phương diện pháp luật về vấn đề này.
Sinh viên bị kỷ luật khi nào?
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016 ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Thông tư quy định một số hành vi sinh viên không được làm như sau:
– Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác;
– Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ;
– Sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác;
– Hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp học;
– Tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc ngoài xã hội;
– Tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; Tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; Sản xuất, buôn bán, vận chuyển, phát tán, tàng trữ, sử dụng hoặc lôi kéo người khác sử dụng vũ khí, chất nổ, các chất ma túy, các loại dược phẩm, hóa chất cấm sử dụng; các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước;
– Tổ chức, tham gia, truyền bá các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động tôn giáo trong cơ sở giáo dục đại học và các hành vi vi phạm đạo đức khác;
– Thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật; tổ chức, tham gia các hoạt động tập thể mang danh nghĩa cơ sở giáo dục đại học khi chưa được Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học cho phép;
– Đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet; Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Quyết định kỷ luật sinh viên vì photo giáo trình.
Hình thức kỷ luật và nội dung vi phạm:
Những sinh viên có hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;
Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;
Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.
Đình chỉ 1 năm học với nữ sinh trường Luật có đáng?
Căn cứ theo quy chế trên thì việc em sinh viên Trường đại học Luật TP.HCM chỉ photo 8 giáo trình của 8 môn khác nhau chỉ để học tập mà bị áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm là chưa đúng theo quy định trên.
Hình thức kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm chỉ áp dụng đối với những HSSV đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi HSSV không được làm. Trong khi đó, hành vi của sinh viên chỉ photo giáo trình phục vụ cho việc học tập không phải mục đích mua bán nên không thể gọi là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Bộ GD&ĐT có ban hành quy chế công tác SV, kèm theo Thông tư số 10/2016, trong đó quy định 10 hành vi HSSV không được làm, kèm theo đó là các hình thức kỷ luật tương ứng.
Nhưng thông tư số 10/2016 không thấy quy định hành vi “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập”. Phần bảng liệt kê chỉ nêu “các vi phạm khác”.
Tại điều 25 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau:
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
“Căn cứ theo quy định trên, việc sinh viên photo 8 giáo trình khác nhau không phải 8 cuốn giáo trình của 1 môn theo tôi chưa phải là hành vi nghiêm trọng khi chỉ nhằm mục đích học tập”, Luật sư Hùng cho hay.
Hành vi này chưa ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả…
Hơn nữa nếu cho rằng sinh viên này vi phạm luật sở hữu trí tuệ thì chỉ có Tòa án có thẩm quyền phán quyết nếu có tranh chấp giữa liên quan quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Trong trường hợp này, chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa lên tiếng. Bên cạnh đó, nếu chủ sở hữu quyền tác giả có tranh chấp với sinh viên này thì Tòa án giải quyết, Trường ĐHL TPHCM không có thẩm quyền.
Mỹ Lan
Theo Trí Thức Trẻ