Hết tết rồi, bố mẹ không nên lấy hết tiền mừng tuổi của con mà hãy dạy con cách dùng tiền đó

0
750

Tiền bạc không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Thiếu tiền và không biết cách quản lý tiền mới là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tệ nạn xã hội.

Chúng ta thường nghĩ trẻ con thì không nên giữ tiền, tiêu tiền. Khi nào cần gì thì nói bố mẹ mua cho. Nhưng điều này sẽ trở thành nếp nghĩ và thói quen theo trẻ cho đến khi lớn. Chúng sẽ luôn trông chờ bố mẹ “cho” tiền để thực hiện mọi thứ: Đi học đại học, cao học, mua nhà, mua xe, thậm chí mong ông bà trợ cấp để nuôi cháu…

Dạy con biết quản lý, tiết kiệm và ngay từ khi còn bé là điều bố mẹ cần phải làm. Các bố mẹ hãy chỉ cho chúng số tiền đó có thể làm gì, hoặc dạy chúng cách san sẻ với bố mẹ chi phí trong nhà hơn là tịch thu chỉ vì “Con còn bé chưa thể tiêu tiền”.

Có anh bạn người Malay học cùng mình kể: Anh có 2 đứa con gái. Số nhiều năm của hai bé, anh gom lại, thêm tiền của mình và mua trả góp 1 căn nhà rồi cho thuê lại. Tiền thuê đó hằng tháng anh đưa hai bé để đóng tiền học. Đồng thời dạy cho các con bài học rằng cần phải đầu tư và tích lũy tài sản ngay từ bé.

Mình có đứa em họ học cấp 3. Con bé luôn giữ lại tiền lì xì từ bé, nó mua vàng tích lũy, mấy năm vừa rồi thì mua tranh truyện, album thần tượng – những thứ vốn hot ở tuổi của nó để trong trường, rồi bán online luôn. Ở tuổi 16, nó có thể thoải mái mua những thứ nó thích, đi những nơi nó muốn mà không đợi xin tiền bố mẹ. Tự lập là thế chứ đâu!

Ngày mình bé, bố mẹ không bao giờ thu lại tiền lì xì. Lúc nào mình cũng tự quản lý số đó. Vung tay tiêu hết thì đành ngậm ngùi tự chịu trách nhiệm. Nếu bố mẹ cần thì nói là mượn mình rồi sẽ trả sau. Dần dà thói quen đó theo mình đến lớn. 18 tuổi, vừa vào đại học 2 tuần mình đã đi làm, tự đóng học và không xin tiền của bố mẹ từ đó.

Trên thế giới, có Warren Buffet – ông trùm chứng khoán đang sở hữu số tài sản 70 tỷ USD và là người giàu thứ hai thế giới – biết đầu tư từ năm 11 tuổi. Năm 16 tuổi ông đã kiếm được 53.000 USD.

Hay Tân Donald Trump cũng đã theo cha đi làm từ thuở bé. Hay như người Do Thái, họ luôn cho rằng “quản lý tài sản từ nhỏ” mới là phương pháp tốt nhất. Thực tế người Do Thái không chỉ để lại của cải vật chất, mà còn truyền lại tố chất và kỹ năng tạo ra của cải cho con cháu mình, những thứ đó còn giá trị hơn tiền bạc. Và thứ giá trị ấy không đến từ sự kế thừa mà đến từ phương pháp , cụ thể là những kỹ năng quản lý tài sản từ thủa nhỏ được người Do Thái nắm bắt và vận dụng.

Họ bắt đầu triển khai các bài học quản lý tài sản gia đình từ khi trẻ ba hoặc bốn tuổi, đó dường nhưu đã thành thông lệ của cả dân tộc. Từ 3 tuổi Do Thái được dạy phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá. 4 tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần phải lựa chọn.

5 tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý. 6 tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản. 7 tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không…

10 tuổi: Biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn hơn như mua giày trượt băng, ván trượt. 11 tuổi: Học cách nhận biết và có quan niệm về giảm giá và ưu đãi. 12 tuổi: Biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm được, có quan niệm tiết kiệm.

Từ 12 tuổi trở lên: Hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản cùng với những người trưởng thành trong xã hội.

Vợ chồng mình chưa có con, nhưng cách thì cả hai đã bàn đến từ lúc chưa cưới. Tụi mình đã từng đánh mất cả một số tiền lớn khi ra ngoài kinh doanh vì thiếu tư duy tài chính nên hiểu sâu sắc giáo dục tài chính ngay từ khi còn nhỏ quan trọng như thế nào. Mong ước các bố mẹ cũng coi trọng giáo dục tài chính để thế hệ sau và đất nước của chúng ta giàu có thực sự. Xin bớt than vãn đổ lỗi cho xã hội, cho nền giáo dục. Chính bản thân mình thay đổi thì tương lai con cái mới tươi sáng.

Tiền bạc không phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Thiếu tiền và không biết cách quản lý tiền mới là nguồn gốc của mọi tội lỗi và tệ nạn xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ngô Thanh Hằng

Theo Trí Thức Trẻ

BÌNH LUẬN