Một nghiên cứu của Đại học Lowa đã phát hiện có 90% trẻ mới 2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng.
Theo thống kê hiện nay, cứ 10 vị phụ huynh thì 7 người cho con dùng máy tính bảng hoặc các thiết bị công nghệ. Một nghiên cứu của Đại học Lowa đã phát hiện có 90% trẻ mới 2 tuổi đã biết dùng máy tính bảng.
“Chúng tôi thấy có nhiều trẻ mới 2 tuổi đã chơi máy tính bảng, trong khi nhiều trẻ 3-4 tuổi mà đã nghiện”, tiến sĩ Fran Walfish, chuyên gia trị liệu tâm lý trẻ em và gia đình ở Los Angeles (Mỹ) nói. Và theo các chuyên gia có rất nhiều tác động xấu từ thực trạng này:
1. Làm méo mó mối quan hệ với cha mẹ
Trong độ tuổi từ 0 đến 2, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Lời nói, sự tiếp xúc giữa cha mẹ với con cái, thậm chí là quá trình chơi với con, không chỉ giúp não bé phát triển mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm.
Nhưng đối với trẻ dành quá nhiều thời gian để tương tác với màn hình điện thoại, máy tính bảng thì khác. “Liên kết thần kinh của trẻ thay đổi và thay vào đó là một yếu tố khác”, bà Denise Daniels, một y tá nhi khoa nói. “Nó ảnh hưởng đến sự tập trung, lòng tự trọng, trong nhiều trường hợp chúng tạo ra bức tường ngăn cách con cái với cha mẹ”.
2. Gây nghiện
“Một trong những điều tuyệt vời mà công nghệ mang lại là luôn có một cái gì đó mới để bạn có thể làm, chơi và đó là gần như vô hạn”, tiến sĩ Gary Small, một Giáo sư về tâm thần học nói. “Vì lý do đó rất, rất khó để từ bỏ và ngưng sử dụng”.
Điện thoại thông minh và máy tính bảng cho phép một đứa trẻ có được bất cứ điều gì chúng muốn chỉ với những nút bấm. Nó không dạy chúng điều độ, kiểm soát xung đột hoặc làm thế nào để thử thách chính mình, và đó là những đặc điểm của một cá tính gây nghiện.
3. Dễ nổi cơn thịnh nộ
Nếu ai đó đang có triệu chứng nghiện, họ sẽ nổi cơn tam bành nếu bạn bạn lấy mất đồ của họ và sẽ gây ra cảm giác xa cách – ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, đưa điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để làm trẻ yên lòng khi chúng đang có cơn giận không phải là một ý tưởng hay.
“Nếu các thiết bị này trở thành phương pháp chủ yếu để làm dịu và đánh lạc hướng con trẻ, chúng có thể sẽ phát triển các cơ chế tự điều chỉnh, khiến tính cách trẻ càng khó bảo hơn”, bác sĩ Jenny Radesky nói.
4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị đọc điện tử trước khi đi ngủ sẽ khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ. Ánh sáng phát ra từ màn hình ức chế hoóc môn gây buồn ngủ và làm thay đổi chu kỳ ngủ – thức tự nhiên của cơ thể.
Một nghiên cứu của Đại học Boston cho thấy, 60% các bậc cha mẹ ở Anh không giám sát việc sử dụng công nghệ của con em mình, 75% trẻ được phép dùng đồ công nghệ trong phòng ngủ. Bởi vì điều này mà 75% trẻ trong độ tuổi từ 9 đến 10 thiếu ngủ và làm điểm số ở trường đi xuống.
5. Ảnh hưởng đến khả năng học hỏi
Theo một nghiên cứu, điện thoại thông minh thực sự có hại cho khả năng học hỏi của trẻ vì nó làm trẻ sao lãng sự chú ý. “Các thiết bị này cũng tác động đến sự phát triển giác quan vận động và kỹ năng vận động tinh (việc cầm, nắm đồ vật), ảnh hưởng đến khả năng học tập môn toán và khoa học”, bác sĩ Jenny Radesky, giảng viên lâm sàng khoa Nhi tại Đại học Boston nói.
Video và trò chơi trực tuyến cũng hạn chế những sáng tạo và trí tượng mới chớm nở của trẻ, làm chậm phát triển giác quan vận động và thị giác.
6. Hạn chế khả năng giao tiếp
Khi nói chuyện với một người, bạn có thể thấy những biểu hiện trên khuôn mặt họ, như nỗi đau, niềm vui, những trăn trở. Lúc bạn nói xấu một ai đó sau lưng và khi nhìn thấy khuôn mặt họ, có thể bạn sẽ phải suy nghĩ và cảm thấy hối hận.
Nhưng nếu bạn nói chuyện trực tuyến, bạn chẳng thể nhận ra được âm vực, ngôn ngữ cơ thể, những biểu hiện trên khuôn mặt và thậm chí cả những kích thích tố phát ra trong khi giao tiếp mặt đối mặt.
“Đây là tất cả những yếu tố cơ bản để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người. Và tất cả chúng đều mất tích cùng với công nghệ hiện đại”, nhà tâm lý học Lim Taylor nói. “Trẻ em đang dành quá nhiều thời gian giao tiếp thông qua công nghệ, chúng không phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản mà con người đã sử dụng từ lâu đời. Truyền thông không chỉ là lời nói”.
7. Làm tăng khả năng bị bệnh tâm thần
Khi chơi các thiết bị công nghệ thông minh, cảm xúc của trẻ dễ bị tách ra, có rất nhiều trẻ bị cyberbulled (thuật ngữ chỉ tình trạng bạo lực internet). Ngoài ra, những hình ảnh và các diễn đàn trực tuyến có thể làm cho một đứa trẻ mới lớn hoặc trẻ vị thành niên cảm thấy khó chịu về cơ thể đang phát triển của mình.
Theo các chuyên gia, quá nhiều thời gian trên smartphone hoặc máy tính bảng là một yếu tố làm tăng trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng gắn bó, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn tâm thần, và hành vi của trẻ có vấn đề.
8. Có thể dẫn tới béo phì
Nếu một đứa trẻ bị nghiện, chúng không di chuyển. Hoạt động thể chất bị hạn chế, sẽ làm tăng cân. Theo một nghiên cứu, trẻ em dùng một thiết bị công nghệ trong phòng ngủ sẽ tăng 30% khả năng mắc các bệnh béo phì, sau đó dễ bị bệnh tiểu đường, có nguy cơ đột quỵ cao và đau tim.
Một số chuyên gia thậm chí còn tin rằng trẻ em thế kỷ 21 có thể là thế hệ đầu tiên sẽ không sống lâu hơn cha mẹ của mình do béo phì và sử dụng các thiết bị công nghệ cao.
9. Trẻ hung hăng hơn
Khi dùng các thiết bị công nghệ, trẻ không học được sự đồng cảm. Chúng cảm giác thoải mái hơn khi trực tuyến và cảm thấy bình thường khi có hành động bạo lực đối với những đứa trẻ khác.
Những video, các thông tin bạo lực cũng ảnh hưởng xấu tới trẻ, có thể sẽ làm chúng bớt nhạy cảm với bạo lực. Dù chúng có gây ra bạo lực với những đứa trẻ khác, chúng vẫn thấy đó là bình thường và hậu quả của việc này rất nguy hiểm.
10. Làm tăng lo lắng về mặt xã hội
Trẻ em nên được tiếp xúc và giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ nhiều hơn là dùng các thiết bị số như điện thoại, máy tính. Bởi vì khi dùng các thiết bị đó trẻ sẽ bị hạn chế khả năng giao tiếp, sống một cuộc sống đơn giản, vắn tắt, khá đơn điệu và nhàm chán.
Ban đầu có vẻ trẻ sẽ phản ứng tiêu cực nhưng bạn phải kiên quyết bảo chúng bỏ chiếc máy điện thoại xuống để tiếp xúc với mọi người, với những đứa trẻ bằng tuổi mình. Khi làm việc đó, trẻ sẽ nhận ra và hiểu được những cảm xúc, tâm tư của mọi người, những cử chỉ ngôn ngữ cơ thể, học cách biết cảm thông và cảm thấy dễ chịu, hòa hợp với mọi người xung quanh hơn.
Trau dồi kỹ năng xã hội là bắt buộc cho sự thành công chung của một đứa trẻ. Nếu chúng lo lắng trong việc tương tác với người khác, nó có thể làm giảm năng lực của trẻ và sự thành công trong tương lai.
Theo Tiền Phong