Mộng du là một loại rối loạn giấc ngủ, người bị thường đi lại trong khi ngủ và có một số hoạt động lạ thường. Hầu hết những người trưởng thành bị mộng du cũng từng bị khi còn nhỏ, rất hiếm người bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng này khi đã trưởng thành. Trong gia đình có trẻ mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc và hầu hết là các trẻ phát triển nhanh.
Mộng du là gì?
Mộng du nói một cách dễ hiểu là tình trạng đi trong giấc ngủ, người mộng du tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ. Đây là một trong nhóm những hoạt động được gọi là parasomnia, nhóm những hoạt động bất thường diễn ra trong khi ngủ. Hoạt động parasomnia thường gặp nhất là nghiến răng khi ngủ hoặc là “mộng tinh”… Các nhà khoa học coi những hiện tượng này là “những lỗi trong cân bằng và tính toán thời gian”.
Mộng du là một trong những nhóm hoạt động bất thường diễn ra khi ngủ.
Mộng du biểu hiện ra sao?
Người mộng du có thể đang ngủ bỗng ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ đi về phòng ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài…
Trẻ bị mộng du có thể mở cửa vào phòng bố mẹ mà không hay biết…
…còn người lớn thì đi ra ngoài phố bất chấp thời tiết giá lạnh và trên người chỉ có độc một bộ đồ ngủ.
Thậm chí người bệnh tiến hành một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, đi vệ sinh sai chỗ, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động tương tự khác. Một số người còn vào ô tô, lái ô tô đi một quãng đường dài trong lúc thực sự đang ngủ. Một số khác có thể xuất hiện hành vi tình dục.
Chỉ nhìn thôi thì khó lòng xác định được người đàn ông này đang bị mộng du hay chỉ đơn giản là đói bụng giữa đêm nên lục tủ lạnh.
Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ Non-REM (Non Rapid Eye Movement sleep – giai đoạn không có chuyển động mắt nhanh) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Trong giai đoạn này, não bộ sẽ tránh không tiếp nhận những khuấy động từ bên ngoài, do đó, rất khó để có thể đánh thức những người bị mộng du. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra.
Vì đâu mộng du lại xuất hiện?
Hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học chắc chắn để kết luận nguyên nhân của mộng du. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần gọi hiện tượng mộng du là “rối loạn kích thích”, nghĩa là có một tác nhân nào đó kích thích bộ não thức dậy khi đang trong giai đoạn ngủ sâu, đưa người mộng du vào trạng thái chuyển tiếp giữa ngủ và thức.
Có tác nhân nào đó kích thích bộ não thức dậy khi đang trong giai đoạn ngủ sâu gây ra mộng du.
Những tác nhân đó có thể là một trong số sau:
– Các rối loạn giấc ngủ kèm theo, đặc biệt là chứng chưng thở khi ngủ
– Thiếu ngủ
– Uống rượu, chất kích thích
– Sốt hoặc ốm
– Đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai
– Luyện tập thể thao quá sức hoặc quá mệt mỏi
– Các kích thích từ môi trường bên ngoài
– Đầy bàng quang
– Ngủ ở một môi trường lạ
– Căng thẳng, lo sợ
– Lạm dụng các loại thuốc như phenothiazine, chloral hydrate, zolpidem và lithium
– Một số tình trạng bệnh lý như đột quỵ, chấn thương vùng não, đau nửa đầu hoặc rối loạn co giật cũng có thể dẫn đến mộng du.
Hầu hết những người trưởng thành bị mộng du cũng từng bị khi còn nhỏ, rất hiếm người bỗng nhiên xuất hiện hiện tượng này khi đã trưởng thành. Cả trẻ em và người lớn đều dễ bị mộng du khi cơ thể ốm, mệt mỏi hoặc khi uống thuốc, bia rượu.
Có thể điều trị và phòng tránh mộng du hay không?
Mặc dù không phải là một loại bệnh lý song người mắc chứng mộng du sẽ bị những tác động như chất lượng giấc ngủ giảm sút, gây lo lắng, sợ hại cho người thân và chính bản thân; thậm chí về lâu dài nó còn gây ra các rối loạn hữu cơ khác như Parkinson (rối loạn thoái hóa hệ thần kinh trung ương) hoặc Alzheimer (mất trí). Có nhiều trường hợp đã xảy ra án mạng mà hung thủ là những người được cho là bị mộng du.
Từng có án mạng xảy ra khi hung thủ đang mộng du.
Do đó, việc kiểm soát và ngăn ngừa sự xuất hiện của mộng du là rất quan trọng. Và điều này hoàn toàn có thể làm được.
– Kiểm soát mộng du:
+ Khóa chặt cửa sổ và cửa phòng dẫn ra ngoài
+ Đặt đệm trực tiếp lên sàn nhà hoặc dùng túi ngủ
+ Giữ chỗ ngủ gọn gàng và loại bỏ các vật dụng có thể gây nguy hiểm ra khỏi phòng ngủ như gương và các vật cản trên sàn
+ Giữ vũ khí và các chất gây cháy nổ trong tủ khóa hoặc ngoài tầm với
+ Dùng phòng ngủ ở tầng trệt trong căn nhà có nhiều tầng
+ Cài đặt một chuông báo thức ở cửa phòng ngủ
+ Thiết kế phần trên cùng của cầu thang có rào chắn
– Ngăn ngừa mộng du:
+ Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc
+ Đảm bảo môi trường thoải mái khi ngủ, với nhiệt độ vừa phải, giường thoải mái và rèm cửa tối màu
+ Giữ tinh thần thoải mái, làm việc điều độ, tránh xa stress
+ Hạn chế lạm dụng các chất kích thích, đặc biệt là trước khi đi ngủ
+ Trước khi ngủ nên hạn chế xem các phim kinh dị, tâm lý nặng nề gây ám ảnh
+ Kiểm soát việc sử dụng thuốc
+ Điều trị bất cứ rối loạn giấc ngủ nào mà bạn mắc phải như hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên khi ngủ hoặc các tình trạng bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản, trầm cảm, lo âu. Những việc này có thể giúp bạn giảm tần xuất mộng du.
Căng thẳng, sợ hãi cũng có thể gây ra mộng du.
Những điều có thể bạn chưa biết về mộng du:
– Mộng du xảy ra với khoảng 15% trẻ em trong độ tuổi từ 8-12 tuổi và thường tự mất đi khi trưởng thành.
– Khoảng 20% số trường hợp vẫn sẽ bị mộng du khi trưởng thành.
– Cứ 3 người thì sẽ có 1 người bị mộng du vào một thời điểm nào đó trong đời.
– Một người sẽ có nguy cơ bị mộng du cao hơn gấp 10 lần hoặc thậm chí nhiều hơn so với những người khác nếu cha hoặc mẹ họ hoặc cả hai đều là những người mộng du.
– Trong một đêm, con người chỉ có thể bị mộng du một lần.
– Người bị mộng du nên được giữ an toàn và được hướng dẫn quay về giường ngủ mà không nên bị đánh thức.
– Mộng du từng được đề cập trong vở kịch Macbeth của Shakespeare với nhân vật Lady Macbeth.
– Trong vở opera La Sonnambula của Bellini, một người phụ nữ cũng bị mộng du và thức giấc trong phòng của một người đàn ông không phải chồng của bà.
Một số loại parasomnia khác:
– Nghiến răng
– Nói mê
– Đái dầm
– Ăn khi ngủ
– Sleepsex – có những hành vi liên quan đến tình dục khi đang ngủ
(Ảnh: Internet)