Bạn có biết vì sao tháng Hai chỉ có 28 ngày?

0
1274

Sử sách kể lại rằng người ra bộ này chính là Romulus, nhà sáng lập và vị hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại.

Tháng Hai qua nhanh như một cơn gió thoảng, vì đây là tháng ngắn nhất trong năm, chỉ có 28 ngày. Vì sao lại có sự “bất công” như vậy?

Bộ lịch hiện tại mà chúng ta đang dùng được dựa trên một bộ lịch rối rắm có từ thời xa xưa của người La Mã cổ đại, được tính dựa trên các chu kỳ của mặt trăng.

Sử sách kể lại rằng người sáng tạo ra bộ lịch này chính là Romulus, nhà sáng lập và vị hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại.

Vào thời đó, những lễ lạc, hội hè, yến tiệc, nghi lễ tôn giáo, nghi thức quân sự… là nhiều vô số kể và càng ngày càng tăng về số lượng, vì thế người La Mã rất cần một phương tiện nào đó giúp họ dễ theo dõi và quản lý những sự kiện này.

Hoàng đế Romulus đã tạo ra cho họ một bộ lịch, có điều bộ lịch này chỉ có 10 tháng, bắt đầu từ điểm xuân phân của tháng Ba và kết thúc vào tháng Mười Hai, mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày.

Không rõ có tên gọi chính thức nào cho quãng thời gian lẻ loi nằm giữa tháng Mười Hai và tháng Ba hay không, nhưng rõ ràng 61 ngày này đã bị bỏ mất ra khỏi lịch không thương tiếc.

Người La Mã chỉ đơn giản là nằm rung đùi chờ cho 61 ngày đó trôi qua để bắt đầu một năm tiếp theo vào đêm trăng tròn trước điểm xuân phân.

Không thể chấp nhận được sự lẩm cẩm này, vị vua thứ hai của La Mã, Numa Pompilius, đã tìm cách thay đổi lịch.

Vì số chẵn được xem là con số xui xẻo trong văn hóa của người La Mã thời đó, nên Numa quyết định bỏ bớt một ngày trong tất cả các tháng chẵn, để tất cả các tháng trong năm đều chỉ có 29 hoặc 31 ngày.

Sau đó, ông sắp xếp lại bộ lịch để nó ứng với toàn bộ 12 chu kỳ của mặt trăng, tức 354 ngày, và chia những ngày dư còn lại thành 2 tháng rồi gắn nó vào phía sau tháng Mười Hai. Thế là đến lúc này chúng ta mới có tháng Một và tháng Hai, mỗi tháng có 28 ngày.

Nhưng vì con số 354 cũng là số chẵn, hai tháng mới có 28 ngày cũng là số chẵn, nên Nuna bèn cộng thêm một ngày vào tháng Một, để cho một năm có 355 ngày.

Hiện tại tháng Hai vẫn chỉ có 28 ngày, khiến nó được xem là tháng xui xẻo. Đây cũng là tháng mà người La Mã thường tổ chức những nghi lễ tôn thờ người chết và tiến hành các nghi thức rửa tội (từ Februum trong tiếng Latinh có nghĩa là “thanh lọc, rửa tội”).

Thế nhưng mọi rắc rối chưa thể dừng lại ở đó. Bộ lịch 355 ngày này không hòa hợp với quy luật của vũ trụ, tức nó không bao phủ toàn bộ thời gian Trái Đất quay hết một vòng quanh mặt trời, tức 365 ngày. Có nghĩa một bộ lịch đầy đủ phải có 365 ngày, nếu không tháng và mùa sẽ bị lệch nhau và trời đất cùng tất cả mọi thứ khác sẽ bị rối tung hết cả lên.

Để giải quyết vấn đề, cứ sau 2 năm, người ta lại chèn thêm một tháng nhuận có 27 ngày sau ngày 23 hoặc 24 tháng Hai để đưa mọi thứ quay về đúng quỹ đạo của nó.

Rắc rối quá!

Có điều, không phải lúc nào người ta cũng thêm vào tháng nhuận 27 ngày này theo đúng lịch đã đề ra, vì lý do chính trị. Các chính trị gia quyền lực sẽ yêu cầu thêm vào tháng nhuận để kéo dài nhiệm kỳ của mình, hoặc cố tình quên nó đi để sớm đuổi đối thủ ra khỏi chính trường.

Còn nếu La Mã có chiến tranh, đôi khi tháng nhuận này sẽ bị bỏ quên suốt nhiều năm trời.

Cho đến thời của Julius Caesar, bộ lịch này mới được thay đổi một cách hợp lý nhất.

Vì dành nhiều thời gian sinh sống tại Ai Cập, nơi người ta áp dụng bộ lịch 365 ngày tính theo mặt trời, nên đến khi lên nắm quyền tại La Mã vào năm 46 trước CN, ông cho bãi bỏ bộ lịch mặt trăng cũ và rắc rối kia đi, và áp dụng một bộ lịch mới tính theo mặt trời.

Lúc này tháng Một và Hai đã được đẩy lên thành hai tháng đầu năm, Caesar cộng thêm 10 ngày vào một vài tháng trong năm để toàn bộ 12 tháng có tổng cộng 365 ngày.

Và vì cứ 4 năm lại có một năm có nhiều hơn 365 ngày, nên cứ 4 năm ông lại chèn thêm một ngày nhuận vào sau ngày 23 tháng Hai để tháng này có 29 ngày và một năm có 366 ngày, được gọi là năm nhuận. Bộ lịch này được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.

Vì công trạng của mình, tên của Julius Caesar và con trai ông, Augustus Caesar, được đặt cho tháng Bảy (July) và tháng Tám (August).

BÌNH LUẬN