Những loài động vật bạch tạng tuyệt đẹp tưởng như chỉ bước ra từ câu chuyện thần thoại, nhưng thực tế, chúng đang tồn tại ở thế giới chúng ta.
Bạch tạng khởi nguồn từ các rối loạn sắc tố di truyền, đa phần những sinh vật bạch tạng sinh ra có da hoặc lông màu trắng hoặc màu hồng, đôi mắt màu đỏ hoặc tím. Dù mang màu lông khác thường nhưng trên thực tế, động vật bạch tạng không nguy hiểm cho con người.
Đối với các loài động vật, da có chức năng bảo vệ, chống lại kẻ thù và chấn thương nhưng với động vật bạch tạng, sắc tố da này khiến chúng dễ bị bỏng nắng, ung thư da và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt, trong môi trường hoang dã, màu da trắng sáng của chúng tạo nên những khó khăn khi trốn kẻ thù, dễ bị kẻ săn mồi phát hiện và tấn công.
Vì sự hiếm hoi và vẻ đẹp của chúng, động vật bạch tạng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của đám đông tại vườn thú. Trong một số nền văn hóa, chúng được coi là sinh vật thiêng liêng.
Dưới đây là những động vật bạch tạng hiếm gặp nhất trong thế giới tự nhiên.
1. Rùa trắng
Ngày 17/6/2009, ở khu vực bên cạnh một hòn đảo phía Bắc của Thái Lan, xuất hiện một con rùa màu trắng. Con rùa này thuộc giống rùa màu xanh bị chuyển sang màu trắng. Khi bị phát hiện, nó đang bơi cùng với đàn rùa màu xanh lá cây. Được biết, rùa trắng là hiện tượng cực hiếm có trong loài rùa.
2. Công
Công là loài chim rất đẹp nhưng bộ lông với hai nửa khác màu như chú công này lại là điều cực kỳ đặc biệt.
3. Ngựa vằn
Bạn đã bao giờ thấy một con ngựa vằn nhưng với sọc vàng-trắng? Nếu đã thấy hãy tin đó chính là con ngựa vằn bị bệnh bạch tạng. Mắc phải chứng bệnh này, sắc tố đen trên những sọc vốn dĩ phải có màu đen biến mất khiến cho con ngựa này trở nên khác biệt, mang một vẻ đẹp thật ấn tượng.
4. Sư tử
Thông thường sư tử có bộ lông màu vàng và dễ dàng ẩn nấp trong các bụi rậm, nhưng với bộ lông màu trắng sáng chú sư tử này rất dễ bị phát hiện. Đó quả là một điều bất lợi trong thiên nhiên hoang dã.
5. Tuần lộc
Tuần lộc trắng cũng là một trong những động vật bạch tạng tuyệt đẹp và cực hiếm thấy. Dù màu trắng khiến nó trông nổi bật và cực kỳ ấn tượng nhưng cũng khiến nó khó ẩn nấp và ngụy trang trong thế giới tự nhiên.
6. Vẹt
Chú vẹt có bộ lông trắng và đôi mắt xanh mơ màng. Tuy nhiên, những con vật mắc bệnh bạch tạng thường có thị lực kém.
7. Cá sấu bạch tạng
Năm 2012, các nhà khoa học thực hiện tổng kiểm tra về cá sấu nuôi tại Park, Odisha, Ấn Độ, và phát hiện có một số cá sấu bạch tạng vì chúng sống ở vùng nước âm u. Cá sấu bạch tạng có màu trắng tuyệt đẹp và khả năng săn bắt mồi của nó phát triển rất mạnh.
8. Sư tử
Khi đứng kế bên chú sư tử bình thường thì chú sư tử trắng này trở nên thật khác biệt và độc đáo.
9. Cá voi lưng gù
Các nhà khoa học Australia đã phát hiện được một con cá voi lưng gù bạch tạng (Migaloo) cực kỳ quý hiếm ở ngoài khơi bờ biển bang New South Wales, Australia.
10. Nhím
Trong một dịp Giáng sinh, người ta bắt được một con nhím bạch tạng mồ côi, nó bị viêm phổi gần chết. Sau đó người ta đã cứu nó, và khi con nhím này khỏe mạnh lại, nó được chuyển đến khu bảo tồn Buckinghamshire, nước Anh.
11. Nai
Không chỉ một mà đến 4 chú nai trong đàn bị mắc bệnh bạch tạng.
12. Chó
Chú chó Doberman này cũng nằm trong hội nói không với sắc tố melanin, dù vậy chú vẫn có cuộc sống rất bình thường như những chú chó trong bầy, duy chỉ có ngoại hình nổi bật là điều khác biệt.
13. Khỉ
Snowflake, chú khỉ đột bạch tạng nổi tiếng toàn cầu. Là cá thể bạch tạng duy nhất của loài, Snowflake được sinh ra trong tự nhiên hoang dã với bệnh bạch tạng bẩm sinh, một sự rối loại gen cho giao phối cận huyết đã khiến chú khỉ đột này thiếu sắc tố trên da và lông. Năm 2003, Snowflake đã qua đời do bị ung thư da, sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện cha mẹ của Snowflake có quan hệ chú và cháu gái.
14. Kangaroo
Do bị các khuyết tật di truyền dẫn đến căn bệnh bạch tạng, màu lông của con kangaroo này trở nên trắng toát. Cùng với thị lực và thính giác kém, con vật này dễ trở thành con mồi cho những con chó hoang dã và cáo. Bên cạnh đó, chúng còn thường bị đe dọa bởi sự cháy nắng và căn bệnh quái ác ung thư da. Chính vì lẽ đó, số phận của chúng trở nên mong manh và tuổi thọ không dài.
15. Chim cánh cụt
Chim cánh cụt thường có lông bụng màu trắng và lông ở lưng và viền dưới cổ màu đen. Tuy nhiên, nhóm thám hiểm Nam Cực của tạp chí National Geographic đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện một con chim cánh cụt bạch tạng ở Nam Cực.
16. Cú muỗi mỏ quặp hung
Một con cú muỗi mỏ quặp hung bạch tạng bên cạnh đồng loại có bộ lông bình thường. Chúng thường bị nhầm lẫn với một loài cú mèo.
17. Rắn hổ mang
Rắn hổ mang thường được xem là một trong những kẻ nguy hiểm nhất trong tự nhiên, chúng luôn ẩn nấp hoàn hảo và sẵn sàng tấn công con mồi của mình. Thế nhưng khả năng này lại không được phát huy đối với một con rắn bạch tạng bởi ngụy trang rõ ràng không phải là một sự lựa chọn tốt dành cho chúng. Loài rắn có tên gọi Goya này phải được nuôi dưỡng đặc biệt trong điều kiện nuôi nhốt, bởi căn bệnh bạch tạng không cho phép chúng sinh tồn ngoài môi trường tự nhiên.
18. Tê giác
Bệnh bạch tạng không trừ một sinh vật nào, đương nhiên tê giác cũng không phải ngoại lệ.
19. Chồn
Bộ lông trắng khiến chú chồn trở nên thật nổi bật trong đàn.
20. Chim ruồi
Là loài chim nhỏ nhất trên thế giới, chim ruồi được biết tới với bộ lông vũ nhẹ và chiếc lưỡi linh hoạt. Con chim ruồi bạch tạng này được nhìn thấy lần đầu tiên trong sân vườn một gia đình tại Anh.
21. Sóc
Vườn thú Quốc gia Scotland ở West Lothian đột nhiên thấy có một con sóc bạch tạng thường xuyên đến ăn những thức ăn của động vật tại đây. Nó xuất hiện từ một mùa đông năm 2010, toàn thân trắng toát từ mõm cho đến móng vuốt do mắc phải hội chứng Leucism. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ xuất hiện một con sóc được sinh ra với gen leucism ít hơn 1/1.000.000.
Hải Yến