Đi tìm câu trả lời cho những ẩn số thiên cổ ấy, xét đến cùng mà nói, chính là cách lưu truyền, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẹn toàn nhất.
Xuyên suốt chặng đường lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, có biết bao câu chuyện bí ẩn, biết bao điều uẩn khúc mà qua lớp bụi phủ dày của thời gian có thể khiến hậu thế sẽ không bao giờ lý giải được. Đi tìm câu trả lời cho những ẩn số thiên cổ ấy, xét đến cùng mà nói, chính là cách lưu truyền, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẹn toàn nhất.
Ai là tác giả bài thơ Nam Quốc Sơn Hà?
Bài thơ Nam quốc sơn hà được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, gắn với tên tuổi của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-1105) và thắng lợi trước quân Tống xâm lược tại sông Như Nguyệt. Hiện nay, nhiều người vẫn ngộ nhận tác giả bài thơ là Lý Thường Kiệt.
“Nam Quốc Sơn Hà” có thực sự là của Lý Thường Kiệt? (Ảnh: Internet)
Tất cả sử liệu Việt Nam, từ chính sử đến dã sử đều không nhắc đến tác giả bài thơ. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi rằng, vào một đêm, quân sĩ nhà Lý chợt nghe thấy có tiếng đọc to bài thơ này được trong đền Trương tướng quân. Trong khi đó, sách Lĩnh Nam Chích Quái cho rằng: “Thần nhân tàng hình ở trên không” đã đọc bài thơ. Cũng theo Lĩnh Nam Chích Quái, bài thơ đã xuất hiện từ thời Lê Hoàn chống Tống và cũng được đọc trên con sông Như Nguyệt.
Nguồn gốc bí ẩn đó đã khiến Nam quốc sơn hà được người đời coi là một “bài thơ Thần”.
Ai là thủ phạm trong thảm án Lệ Chi Viên?
Cho đến nay, vụ án Lệ Chi Viên với cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông và việc tru di tam tộc quan đại thần Nguyễn Trãi vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi của giới nghiên cứu sử học Việt Nam.
Theo sử sách, ngày 4/8/1442, vua về Lệ Chi (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với Vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40, rất được nhà vua yêu quý vì sắc đẹp, văn hay. Tại Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà.
Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ít lâu sau đó. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ.
Nguyễn Trãi sau khi đại thắng quân Minh đang thanh thản gác kiếm viết lại bài cáo Bình Ngô (bình Ngô Đại Cáo) lừng danh. (Ảnh: Internet)
Sau này, nhiều sử gia đã tán đồng với giả thuyết cho rằng chủ mưu vụ án chính là Nguyễn Thị Anh – vợ thứ vua Lê Thái Tông.
Về động cơ, thứ nhất là do bà đã có sẵn tư thù với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Thái tử Bang Cơ không phải là con Vua Thái Tông, sợ Nguyễn Trãi gièm pha nên bà đã sai người sát hại vua rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Vì sao vua Quang Trung băng hà?
Vào tuổi tứ tuần, giữa lúc chuẩn bị mở một chiến dịch tổng lực để tiêu diệt liên minh Nguyễn Ánh – quân Pháp, hoàn thành việc thống nhất đất nước, đồng thời nỗ lực giành lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông từ nhà Thanh, hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Biến cố này là một trong những nghi vấn lớn nhất của lịch sử Việt Nam.
Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. (Ảnh: Internet)
Có nhiều nguyên nhân về cái chết của vua Quang Trung, giả thuyết của sách Nhà Tây Sơn viết: “Vua Quang Trung chết chỉ vì bệnh huyết áp cao, làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều bị đứt mạch máu…“. Căn cứ thời điểm vua Quang Trung mất cũng là lúc Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm được Gia Định và kéo quân ra đánh Quy Nhơn. Quang Trung đang sắp đặt chuẩn bị kéo đại binh vào Gia Định đánh một trận quyết không cho Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát.
Mọi việc sắp đặt xong thì nhà vua ngã bệnh và bệnh mỗi ngày một nặng, bèn triệu trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu vào Phú Xuân bàn chuyện dời đô ra Nghệ An và cất quân đánh Nguyễn Phúc Ánh. Nhưng rồi biết mình không còn sống lâu được nữa, liền trối: “Ta mở mang bờ cõi, nay bệnh tình không thể khá được, mà Thái Tử thì còn nhỏ. Phía trong thì bọn quốc cừu hoành hành ở Gia Định. Còn anh ta thì tuổi già, cầu an, không lo hậu họa. Ta chết rồi, trong vòng một tháng phải lo việc tống táng cho xong. Các khanh phải đồng phò Thái Tử và sớm lo việc thiên đô để khấu chế thiên hạ. Nếu không vậy, binh Gia Định kéo đến, các khanh không có đất chôn thây.” Nhà vua nói xong rồi băng hà.
Lại có người bảo vua Quang Trung bị “thượng mã phong”, hoặc có người độc miệng hơn cho rằng: nhà vua bị Ngọc Hân Công Chúa ám hại bằng cách bỏ thuốc độc vào rượu cho vua uống. Ngoài ra, còn một giả thuyết khác khá hoang đường khác về cái chết của vua Quang Trung, đó là ông đã bị trúng tà thuật từ chiếc áo bị yểm bùa do vua Càn Long của nhà Thanh ban tặng. Một biến thể của giả thuyết này là chiếc áo kể trên đã bị tẩm thuốc độc…. Vậy rốt cuộc nguyên nhân nào gây ra cái chết của vua Quang Trung?
Cái chết của vua Quang Trung khiến không ít người thắc mắc. (Ảnh: Internet)
Theo chính sử nhà Nguyễn, hoàng đế Quang Trung chết vì một chứng bệnh kỳ bí, bắt đầu từ một cơn đột quỵ khiến ông rơi vào trạng thái mê man nhiều ngày. Chứng bệnh này sử gia nhà Nguyễn giải thích như sự trừng phạt của Thần Thánh dành cho việc quân đội của ông đã xâm phạm các tôn lăng của chúa Nguyễn khi chiếm thành Phú Xuân (Huế).
Cụ thể, theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện ghi rằng: “Huệ trong lúc lấy kinh đô Phú Xuân có mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh. Một ngày kia đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc, áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm đến lăng tẩm. Nói vừa dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy bệnh càng ngày càng nặng, mới triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An“.
Chúng ta đều biết về truyền thuyết Chùa Thiên Mụ ở Huế, kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi. (Ảnh: Internet)
Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
ads by ants
Những lời “sấm truyền”, tiên tri hay dự ngôn của các bậc thánh hiền rất nhiều, tất cả đều dựa vào các tín ngưỡng về Thần, Phật, Đạo trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Vậy nên, nếu thuận theo Thần Phật thì sẽ được hưởng phúc báo, còn nếu ‘đắc tội’ với Thần Phật thì đương nhiên sẽ bị quả báo, đó là luật Nhân-Quả.
Vua Quang Trung cũng chỉ là một ‘con người’, vì thế, khi mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh, ông hoàn toàn đều có thể bị báo ứng như bao người khác, trong trường hợp này ông mắc bệnh càng ngày càng nặng, và sau đó mất đi. Đây cũng là một bài học để cảnh tỉnh thế nhân, tôn kính Thần Phật là trân quý sinh mạng của chính mình!
Ánh Trăng tổng hợp
Theo DaiKyNguyen